“Dù ai chồng rẫy, vợ chê
Bánh dày Quán Gánh lại về với nhau
Ăn trước thì bảo người sau
Già ăn trẻ lại, gái mau đắt chồng”
Tết đến Xuân về, trong muôn sắc hoa tươi thắm, bên mâm cỗ trước bàn thờ tổ tiên vùng quê tôi thường có đĩa bánh dày, góp phần giữ gìn truyền thống tín ngưỡng người Việt với quan niệm bánh dày tượng trưng cho bầu trời và người dân thường dùng để làm đồ cúng lễ mỗi độ Xuân về. Tết Bính Thân này, tôi lại về quê để được hưởng lộc từ những chiếc bánh dày. Và khi trở về nội đô thể nào cũng có cặp bánh dày Quán Gánh làm quà Tết.
Đã là người Hà Nội nói đến bánh dày Quán Gánh thì ai cũng biết. Bánh dày Quán Gánh là đặc sản truyền thống của mảnh đất trăm nghề Hà Tây nay là Hà Nội. Nổi tiếng từ rất lâu đời, trong làng Quán Gánh từ tờ mờ sáng nhà nào cũng vang lên tiếng chày giã bánh làm sôi động cả một vùng quê. Làng Quán Gánh quê tôi thuộc địa phận thị trấn Thường Tín. Từ hàng trăm năm nay bánh dày của làng luôn được xem là một món ăn dân dã mà thanh tao của ẩm thực Việt. Quán Gánh đã đi vào “từ điển” ẩm thực Việt Nam với món bánh dày độc đáo và nổi tiếng, có tự nghìn xưa. Dân làng Quán Gánh từ xưa sống chủ yếu bằng nghề nông, bản chất con người khéo léo thông minh nên sớm biết chế biến những nông sản do chính tay mình sản xuất. Người dân Quán Gánh thường truyền tai nhau câu nói “cái nghề vừa vo tròn, rồi lại bóp bẹp”, cái nghề tưởng như đơn giản ấy lại khá cầu kì và đòi hỏi sự khéo léo.
Bánh dày Quán Gánh được dùng thay cho món xôi, bánh chưng trong các tiệc cưới hay các đám giỗ chạp, tiệc liên hoan, ăn sáng, tráng miệng. Bánh dày Quán Gánh có vị dẻo thơm của xôi nếp, màu xanh non của lá chuối, độ thơm ngậy của đỗ xanh. Chiếc bánh dày ngon hay không, phần quyết định đầu tiên chính là ở khâu chọn gạo, đồ xôi. Gạo làm bánh phải là loại nếp trắng, dẻo thơm của vùng Hải Hậu (Nam Định), đem ngâm, đồ thành xôi. Loại gạo nếp vụ mới sẽ cho chiếc bánh dày thơm ngon hơn. Xôi đồ vừa khéo, đủ độ để giã thành vỏ bánh. Lúc đun phải chú ý cho đều lửa thì xôi mới dẻo. Người giã gạo phải là người có sức khỏe dẻo dai, tay chày, tay cối, giã gạo ngay từ lúc xôi còn nóng, đến khi gạo thật nhuyễn, thật dẻo. Tiếng chày giã bánh mỗi sớm tinh sương từ bao đời nay đã trở nên thân thuộc với người dân làng Quán Gánh. Bánh dày có nhiều loại. Cùng với bánh dày chay còn có loại bánh dày nhân ngọt và nhân mặn. Bánh dày nhân ngọt là nhân đậu xanh xào đường. Nhiều người lại thích ăn bánh nhân mặn với đậu xanh, thêm ít thịt ba chỉ, dừa và thơm mùi hạt tiêu... Mỗi loại bánh có một hương vị riêng.
Hàng năm cứ vào cuối tháng hai âm lịch, khi tiết trời vẫn còn se se lạnh, người Quán Gánh lại háo hức chuẩn bị những chiếc bánh dày dẻo và thơm ngon nhất dâng lên vua Hùng với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, chiếc bánh dày được khởi nguồn từ chiếc bánh dày Lang Liêu dâng vua cha cách đây 2000 năm và được truyền lại cho con cháu nước Việt nhân ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3.