Nghệ sỹ Phan Thanh Liêm đang hướng dẫn du khách điều khiển con rối
Mô hình rối nước độc diễn
Nghệ sỹ Phan Thanh Liêm sinh ra trong một gia đình có truyền thống múa rối nước ở làng Rạch, tỉnh Nam Định. Bố anh là nghệ sỹ múa rối nước nổi tiếng Phan Văn Ngải- người đã sáng tạo ra thủy đình đang được sử dụng ở tất cả các nhà hát múa rối hiện nay. Được tiếp xúc với rối nước từ nhỏ nên Phan Thanh Liêm đã mày mò quan sát bố để tự làm cho mình những pho tượng gỗ bé xíu. Lớn lên, anh bắt đầu đam mê rối nước sau những lần xem biểu diễn ở thủy đình làng và cùng đoàn rối của bố đi diễn trong Nam ngoài Bắc. Khi được hỏi xuất phát từ đâu mà anh lại có ý tưởng về một sân khấu độc diễn rối nước, nghệ sỹ Phan Thanh Liêm cho biết: “Trước đây, khi cùng gia đình đi biểu diễn tôi thấy những buổi biểu diễn dù đông khán giả xem nhưng vẫn không bù lại được chi phí phải bỏ ra như công xá vận chuyển, đồ nghề cồng kềnh, hao tốn nhân lực... khiến người làm nghề nản chí, dẫn đến bỏ nghề. Chính vì điều đó, tôi đã suy nghĩ cần phải thay đổi, làm thế nào để có thể truyền bá nghệ thuật múa rối nước đến với công chúng”. Và rồi sau nhiều ngày trăn trở để tìm ra hướng đi mới, mô hình rối nước độc diễn với những cải tiến về thủy đình và con rối đã ra đời. Thủy đình mới của anh có kích cỡ mỗi chiều chỉ hơn 1m, nhỏ hơn nhiều so với thủy đình thông thường, mái đình được cải tiến còn 1 mái. Chất liệu làm thủy đình bằng cao su có khả năng chống va đập và không thấm nước có thể gấp gọn và di chuyển dễ dàng. Những con rối chỉ cao chừng 20cm, chỉ cần một người có thể điều khiển được nhiều con rối cùng một lúc.
Anh Liêm cho biết: Năm 2001, lần đầu tiên ra mắt khán giả, mô hình này đã được sự ủng hộ của nhiều người nhưng cũng có vài ý kiến phản đối vì trong suy nghĩ truyền thống thì rối nước là một môn nghệ thuật biểu diễn tập thể, bởi có những con rối lớn phải cùng một lúc mấy người điều khiển. Tuy vậy, anh vẫn không nản lòng và tiếp tục mang sân khấu thu gọn của mình đi lưu diễn ở khắp nơi vì anh nghĩ mình làm không phải cho riêng mình mà vì cộng đồng. Chính vì sự cồng kềnh nên việc quảng bá nghệ thuật múa rối nước đến với công chúng còn nhiều hạn chế. Theo anh Liêm, nghệ thuật truyền thống đang dần bị mai một cũng một phần do cách giáo dục, tuyên truyền của chúng ta bởi qua các cuộc lưu diễn ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa của Việt Nam và nhiều nước trên thế giới như: Hàn Quốc, Italia, Ba Lan, Thái Lan, Canada, Pháp, Đức… anh thấy ở nơi đâu tiết mục biểu diễn của anh cũng được đón nhận nồng nhiệt.
Sân khấu múa rối mini tại nhà
Sự quan tâm của khán giả trong mỗi lần đi lưu diễn ở trong và ngoài nước đã cho anh thêm động lực quyết tâm thực hiện mô hình sân khấu múa rối mini tại nhà. Tháng 10 năm 2012, một sân khấu lắp ghép với diện tích khiêm tốn 30m2 chứa được khoảng vài chục người xem đã ra đời trên tầng 4 ngôi nhà ở ngõ chợ Khâm Thiên (Hà Nội) của nghệ sỹ Phan Thanh Liêm. Với mô hình sân khấu múa rối gọn nhẹ, có thể ngồi trên sàn mà không cần ngâm mình dưới nước, nghệ sỹ Phan Thanh Liêm mặc sức “tung hoành” với nhiều trò múa rối từ dân gian cho đến hiện đại như chọi trâu, đi cấy đi cầy, đua thuyền, múa rồng phượng, đua xe máy… được du khách nước ngoài yêu thích.
Không chỉ được xem biểu diễn, du khách còn được trải nghiệm tự tay điều khiển các con rối và nghe giảng về kỹ thuật làm rối nước. Du khách còn có thể lựa chọn những con rối và bức tượng nhỏ do anh và gia đình sản xuất để bán cho khách đem về làm quà lưu niệm.
Và những dự định cho mùa xuân mới
Mùa xuân này, nghệ sỹ Phan Thanh Liêm kỷ niệm 15 năm ra đời mô hình rối nước thu gọn độc đáo của mình với nhiều dự định mới đang ấp ủ. Anh chia sẻ: Hiện nay anh đang chuẩn bị một tiết mục nói về tệ nạn chặt phá rừng. Đây là một dự án tuyên truyền về bảo vệ môi trường thông qua nghệ thuật múa rối nước. Trên sân khấu, thay vào hình ảnh của đình làng, cây cau, giếng nước… là những khu rừng, những ngôi nhà sàn. Giữa khung cảnh của một không gian thanh bình với tiếng chim hót, tiếng sáo, tiếng mẹ ru con xuất hiện hình ảnh của những kẻ lâm tặc đến phá rừng với tiếng cưa máy, cây đổ, tiếng xe ô tô chở gỗ, cuộc sống bình yên của con người và muông thú bị phá vỡ, sự phẫn nộ của rừng, của thiên nhiên sẽ được diễn tả một cách trọn vẹn trong tiết mục này. Nghệ sỹ Phan Thanh Liêm tâm sự: Nghệ thuật truyền thống không phải lúc nào cũng diễn các tiết mục truyền thống mà người nghệ sỹ phải biết vừa duy trì vừa tìm ra các tiết mục mới gắn với cuộc sống hiện đại. Xuất phát từ suy nghĩ đó mà cách đây vài năm, trước tệ nạn đua xe máy, anh đã nghĩ ra tiết mục đua xe để gửi đến người xem thông điệp về an toàn giao thông. Cũng vẫn sân khấu thủy đình, anh lại đem những chiếc ô tô, xe máy, những cô cậu tổ lái, đánh đu, lạng lách lên biểu diễn khiến khán giả đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Anh Liêm cho biết, sắp tới anh sẽ đưa tiết mục này đến tận các trường học biểu diễn để tuyên truyền cho học sinh về an toàn giao thông. Tuy nhiên, để làm được các dự án vì cộng đồng như vậy, nghệ sỹ Phan Thanh Liêm đã phải có sự cố gắng rất lớn. Bởi là đoàn nghệ thuật của tư nhân nên anh phải hoàn toàn tự lo về kinh phí mà không có sự hỗ trợ của nhà nước. Nhưng, vượt lên tất cả là cái tâm của một người nghệ sỹ hết lòng với nghề luôn mong muốn truyền bá nghệ thuật múa rối nước đến được với nhiều khán giả trong và ngoài nước, góp phần bảo tồn và phát triển môn nghệ thuật múa rối nước độc đáo chỉ có duy nhất ở Việt Nam.