Hôm ấy, dậy muộn. Đợi chuyến xe buýt sau thì không kịp mất. Những bước đi quanh quẩn và đôi mắt bối rối của chị khiến cho mấy người lái “xe ôm” lập tức kéo đến. Chính điều ấy lại làm chị bối rối hơn, vì phải nhanh chóng chọn một người trong bốn, năm lời mời mọc săn đón vây quanh. Cuối cùng thì chị cảm ơn họ và nói với người đàn ông đứng tuổi, ăn mặc nghiêm chỉnh đứng sau những người khác, chỉ nhìn chị chăm chú chứ cũng không ra chờ mong mà cũng không nói một lời. “- Tôi vội, nhưng chắc vẫn kịp giờ dạy, anh đừng phóng nhanh quá, nhỡ có chuyện gì thì rắc rối…”. Vậy mà mới đi được một quãng, chị bỗng thấy người xô ra đằng trước và rơi bịch xuống đường. Nén đau, gượng đứng dậy nhìn quanh, cách chị mấy bước, người lái xe bất động trong tư thế nửa nằm nửa ngồi, nhăn nhó vì đau đớn, môi cắn chặt và chỉ hỏi được một câu: “- Chị có việc gì không ạ?” rồi ngã vật xuống. Nhiều người xúm lại. Một người dựng chiếc xe còn rất mới dậy: “- Chỉ bị vỡ một đèn hiệu thôi”. Hai người khác đỡ anh ta dậy và giục: “- Anh ấy bị gãy chân, chị gọi xe cấp cứu đi, xích lô cũng được”. Chị lúng túng nhìn quanh. Lỡ mất mấy tiết dạy đã đành. Mọi người lại cứ tưởng đó là chồng mình, nên phải xử sự như có chồng lâm nạn thật. Dẫu sao thì cũng vẫn cứ phải giúp đỡ người ta lúc này. Chị ân hận, có khi tại mình bảo vội nên anh ta mới phóng nhanh như thế. Một chiếc xích lô chở xe, một chiếc chở người bị nạn. Đương nhiên chị phải ngồi để giữ cái chân bị gãy của anh ta. Người đàn ông thiếp đi trong cơn đau, nhưng mỗi lần xe xóc lại nhăn nhó. Đấy rõ ràng là khuôn mặt một người có học. Vẻ trí thức hiện lên trên vầng trán và cái cằm cương nghị. Nhưng tại sao lại lái xe ôm nhỉ? Vào phòng cấp cứu, chị nói ngay rằng mình chỉ là người đi đường để tránh phải trả lời những điều về nạn nhân mà chị không thể biết. Những người làm nghề này bao giờ cũng có đầy đủ giấy tờ tùy thân, nên thủ tục hành chính cũng suôn sẻ.
Vốn tính cởi mở, chan hòa, chị hay kể lại những chuyện xẩy ra trong ngày với chồng. Cũng như mọi lần, chồng chị chỉ nghe, cái lối nghe để cho người nói biết rằng mình có nghe, nghe để đấy, nên anh chẳng thể chia sẻ gì với vợ. Họa hoằn mới hỏi lại một câu, nhưng lắm khi chỉ làm chị thêm bực mình vì nó chứng tỏ, trước đó thật ra anh chẳng để ý đến câu chuyện, tuy rằng bề ngoài có vẻ rất chăm chú. Không hiểu sao lần này chồng chị lại nắm được tất cả diễn biến sự việc. Nghe xong, anh thủng thẳng:
- Thế là mất buổi dạy chỉ vì một chuyện không đâu.
- Tai họa đối với một con người mà anh nói thế thì em cũng chịu thật!
- Ôi dào, chẳng lẽ một gã lái xe ôm lại làm em quan tâm đến thế kia à?
Thốt nhiên, gương mặt cương nghị và thông minh đang nhăn nhó vì đau đớn cùng với tiếng “ạ” trong câu hỏi của người lái xe ôm hiện ra rất nhanh, như muốn nói với chị điều gì. Một con người như thế chắc chắn không để cho ai xúc phạm. Mặc dù không biết tí gì về anh ta, chị vẫn thấy mình phải lên tiếng, không phải để bảo vệ anh ta mà là để phản ứng lại cách nhìn người của chồng.
- Em không quan tâm đến một người lái xe ôm này, hay một người lái xe ôm khác, mà là quan tâm đến tai họa đối với một con người. Vậy thôi.
Đến đây, giọng anh cố ý chậm lại và không giấu vẻ châm chọc: “- Thế liệu có đến thăm hắn ta không đấy?”. Giọng chị đanh lại đầy uất ức: “- Em chưa có ý định ấy, nhưng vì anh đã nói thế nên em sẽ đến thăm anh ta. Nếu anh muốn em còn là em thì, xin anh chớ có nói gì thêm nữa”. Ngay hôm sau, chị đến bệnh viện với một túi cam trong tay. “- Tôi không ngờ chị đến thăm”. Chị nhìn cái tủ con ở đầu giường, nhận ra ngay không có sự chăm sóc của một bàn tay phụ nữ. Anh ta nói với đứa con gái mười tuổi: “- Hôm trước, bố chở cô giáo này đây. Nếu cô ấy không giúp đỡ thì có khi mất cả xe. Không thì cũng bị vặt khối thứ”. “- Cháu cảm ơn cô. Thế cô dạy trường nào ạ?”
Không muốn ở lại thời gian lâu hơn thời gian cần thiết của một cuộc thăm xã giao, nên thấy con bé về, chị cũng chúc anh ta mau ra viện và về theo. Sau mấy câu hỏi về việc học chị lựa lời:
- Bố cháu làm việc này lâu chưa?
Con bé vui vẻ bắt chuyện:
- Bố cháu cũng đi dạy học như cô ấy, ở trường Đại học Nông nghiệp. Đi lao động ở nước ngoài về, cơ quan cũ không nhận nên phải chạy xe ôm cô ạ.
- Thế mẹ cháu bận gì mà không vào thăm bố?
Không thấy con bé trả lời. Lát sau, giọng nó nghẹn trong nước mắt:
- Cô đừng hỏi mẹ cháu làm gì… Cháu chào cô, cháu vội về đi học.
Chị nhìn đôi chân bé bỏng quày quả bước đi, chép miệng. “- Cái dáng đi của một người khổ đây”.
Mỗi người một số phận, một nghịch cảnh trớ trêu. Mà biết ai khổ, ai sướng? Mấy hôm sau chị gặp con bé ngoài chợ tạm. Đôi mắt buồn lóe lên một ánh vui:
- Cô đến nhà cháu chơi đi, chỉ có mình cháu ở nhà thôi.
Căn phòng chừng 20m2, chật vì sách xếp đầy trên các giá đóng vào tường. Nó mời chị ngồi xuống chiếc giường cá nhân của nó. Chị vẫn tự hỏi chuyện gì đã xảy ra, để bây giờ hai cha con gà trống nuôi nhau. Con bé đến là ngoan. Giá mình có một đứa con gái thế này nhỉ. Hai đứa con trai chị, đứa lớn học xong đúng vào lúc nước Đức thống nhất nên ở lại làm ăn, đứa nhỏ xấp xỉ con bé này. Nghề dạy học không cho chị một nguồn thu nhập đủ sống, bù lại đã cho chị chút hiểu biết và thời gian khá rảnh rỗi để dạy con nên chúng đều học khá. Nhưng dường như, càng được trông nom săn sóc chúng càng trở nên ích kỷ. Một người bạn ra cái điều am hiểu tướng số bảo, số chị chẳng được nhờ con, nhưng mà cũng được nhờ chồng. Sướng quá rồi còn gì, muốn may sắm gì tha hồ, chẳng phải lo gì đến chi tiêu. Nhiều khi thấy chúng nó đắn đo chán không dám mua một cái váy mà thương. Trong khi chị, mỗi khi có giờ lên lớp phải nghĩ trước hàng giờ. Thậm chí từ chiều hôm trước xem thời tiết ngày mai thế nào, nắng thì mặc gì, mưa mặc gì, quần này đi với áo nào? Thắt lưng nào, túi nào, cài gì lên áo? Nhưng chẳng lẽ người ta chỉ sống bằng quần áo và thức ăn. Có lần, một người bạn mời đến ăn cơm nhân lễ “rửa” nhà mới, chị rủ chồng đi thì anh gàn: “- Vẽ chuyện… Đi làm gì kia chứ. Em cầm lấy một trăm, anh không tính vào tiền ăn đâu, muốn làm gì thì làm, vợ chồng con cái ăn với nhau chẳng hơn à?”. “- Đến có phải để ăn đâu. Gặp gỡ trò chuyện với bạn bè mới là điều em cần”. “- Ôi dào, đàn đúm như thế thì được tích sự gì? Liệu có ra tiền, ra bạc không?” “- Nếu anh coi việc phải kiếm ra tiền mới là hữu ích thì em cũng có cách kiếm ra tiền của em. Nhiều sinh viên vẫn đề nghị em dạy thêm… Từ nay, anh cũng nên tham gia vào việc dạy con và công việc gia đình chứ đừng có phó mặc tất cả cho em”. “- Này, em đừng dở cái giọng ấy ra. Anh chỉ cần bỏ tiền ra là thuê được thầy dạy nó, kể cả một con ở…”. “- Nghĩa là thực sự em đang làm công việc của một gia sư, của một con ở chứ gì?”. Chị vừa nói vừa tấm tức khóc. Anh chồng bảo: “- Rõ thật là buồn cười. Sướng mà cũng không biết mình sướng thì có khổ không kia chứ? Thời buổi kinh tế thị trường, khó nhất là kiếm tiền. Có tiền ăn tiêu thoải mái em còn muốn gì nào. Em xem trường Sư phạm của em người ta sống thế nào?” “- Vâng, về mặt kiếm tiền thì anh hơn tất cả các ông chồng bạn em. Nhờ thế mà về mặt vật chất em chẳng thiếu thốn gì”. “- Biết thế sao còn kêu?”. Chị không nói gì. Mà biết nói gì với một người coi kiếm tiền là công việc có ý nghĩa duy nhất? Coi vợ đẹp, con khôn, nhà lầu xe hơi là mục đích sống như năm mươi năm về trước nhiều người vẫn ước ao?
Khoảng hai tháng sau, đi gần tới bến xe buýt chị gặp lại người lái xe ôm. Chị hỏi thăm cái chân bó bột, về con gái anh ta. Lúc trả tiền, anh ta hỏi: “- Chị dạy mấy tiết. Tôi đợi chị về rồi xin tiền một thể?”.
Từ xa chị đã nhận ra anh ta trong một tư thế thật lạ: Anh ta ngồi lọt thỏm vào giá đèo hàng phụ ở thân xe, dùng yên xe làm bàn viết. Ngòi bút đang lia rất nhanh trên trang giấy khổ hẹp và dài như lá sớ. Chị đến ngay sau lưng mà anh ta cũng không hay biết.
“- Anh viết gì thế?” “- Không có gì đâu chị ạ”. Không muốn để anh ta biết nhà, chị bảo đỗ ở ngã tư đầu phố. Chị cứ thấy ngường ngượng làm sao ấy. Có cái gì như một sự xúc phạm anh ta, khi đưa tiền ra trả, và chị cũng đọc được trong đôi mắt cương nghị ấy một thoáng lúng túng ngượng ngập khi đưa tay ra cầm tiền, cùng với lời cảm ơn khe khẽ và vội vã “- Để tôi trả lại tiền thừa”. Nhưng chị đã chào và vội vàng quay gót. Nhiều lần nhỡ xe, chị lại ra điểm đỗ xe này nhưng không gặp. Có thể anh ta đang chở khách, hay anh ta làm sao rồi? Cái ý nghĩ đến thăm anh ta, chợt thoáng qua đã vội gạt đi. Nhưng những câu hỏi về anh ta thì không rời khỏi chị. Vì thế, lần gặp sau đó làm chị có vẻ mừng. “- Tôi đợi chị dạy xong nhé”. “- Nhưng hôm nay tôi có ba tiết kia, sau đó còn lên khoa giải quyết một vài việc.” “- Không sao đâu ạ, tôi đợi được mà.” “- Thế thì mất thì giờ của anh quá” (suýt nữa thì chị bảo “Nhỡ bao nhiêu khách của anh”) nhưng anh ta đã bảo “- Không làm việc này thì làm việc khác. Tôi không lãng phí thời gian đâu chị ạ”. Rồi anh ta rụt rè, rút từ túi nhỏ treo ở móc treo túi ra một tờ báo: “- Biếu chị để lúc chuyển giờ chị đọc cho vui”.
Phòng hội đồng sư phạm lúc nào cũng đông người, chị chọn một góc vắng, giở tờ báo ra. Có cái gì đó thầm mách rằng, giữa tờ báo này và người cho phải có một mối liên quan nào đó. Người chị bỗng gai lên khi bắt gặp tên anh sau một truyện ngắn. Mấy tiết dạy hôm ấy diễn ra thật chẳng ra làm sao. Có lúc đang thao thao bất tuyệt, chị bỗng sững lại, không biết mình đang nói gì, phải nói gì tiếp đây. Đến nỗi phải hỏi sinh viên đang ngơ ngác: “- Tôi đang giảng về cái gì đấy các anh, các chị?”. Chuông báo hết giờ như giải thoát chị ra khỏi một tâm trạng phân tâm chưa bao giờ có. Vào lúc đổi giờ, để được đứng một mình, chị không vào phòng hội đồng. Rõ ràng chị đã không nhầm khi nghi ngờ cái công việc anh ta đang làm. Vì thế, ngồi sau xe lúc về, chị có cái cảm giác khác hẳn lúc đi. Để có được những dòng như thế, hẳn người viết phải có một cuộc sống nội tâm thế nào. Chị tò mò, muốn lục tìm, khám phá xem số phận nào đã đẩy anh ta đến với công việc nhếch nhác này trong xã hội. Vì thế, chị mạnh dạn hỏi, không chút đắn đo sợ anh ta mặc cảm. Người đàn ông nhìn thẳng vào mắt chị, nói rất rành mạch khúc triết: “- Trước khi trả lời chị, tôi xin lỗi được nêu nhận xét này: Có một số người, và rất có thể, về một khía cạnh nào đấy và vào thời điểm lần đầu tôi chở chị, chị cũng thuộc số người đó. Họ nhìn người không vào bản chất con người mà vào công việc, thậm chí chức vụ. Có nhiều khi công việc chỉ là phương tiện giúp cho người ta duy trì cuộc sống vật chất thôi. Mà cuộc sống vật chất phỏng có mấy giá trị so với cuộc sống khác bên trong, mà nếu không có con mắt xanh, không dễ nhận ra. Tôi đưa chị tờ báo là vì, cái truyện ấy, tôi viết lúc đợi chị hôm trước. Còn hôm nay, tôi cũng đã viết được một cái gì đó rồi”. Nói đến đó giọng người đàn ông đột ngột sâu lắng, còn đôi mắt, vẫn nhìn thẳng vào đôi mắt chị, nhưng bây giờ như nhìn sâu vào trong tâm hồn chị: “… Tôi ước ao sẽ được đợi chị, và mỗi lần đợi như thế, tôi đều viết được một cái gì mình thích…”. Nói xong câu đó, người đàn ông giục: “- Thôi chị về đi, tôi cũng phải về đây”. Anh ta nổ máy, vào ga, từ từ lăn bánh, để chị đứng đó bần thần, ngỡ ngàng như vừa tìm thấy một cái gì rất quý giữa một mớ lộn xộn nháo nhào không ai để mắt tới.
Tối nay, một người bạn gái có chồng là một nhạc công dàn nhạc giao hưởng mời tất cả nhóm bạn gái Hà Nội đã cùng học ở trường đại học đi xem một chương trình đặc biệt kỷ niệm Traicôpxki. Giấy mời cho hai người. Đám bạn gái, điện cho nhau và theo lời mời của chủ nhân - nhất thiết phải đưa các ông chồng đi cùng.
Đến Nhà hát lớn chỉ có một đoạn ngắn, nhưng chồng chị vẫn gọi điện cho lái xe đánh xe đến, mặc cho chị gàn rằng như thế vừa không hòa vào đám bạn bè, vừa làm phiền lái xe. Mặt anh đầy tự mãn: “- Đấy cũng là dịp để em có thể đối chứng với đám bạn bè”. Và quả thật, vợ chồng chị nổi bật trong đám bạn bè túm tụm ngoài cửa nhà hát. Những lúc như thế này, quả thật chị không thể không có chút hãnh diện về những gì mình mặc, về người chồng sang trọng, không phải con ông to, nhưng to con, đẹp trai, cao vượt hơn đám chồng bạn chị gần một cái đầu.
Tấm màn nhung đỏ từ từ kéo ra, người giới thiệu chương trình chưa ra, cả nhà hát đã rung lên trong những âm thanh kỳ ảo của bộ đàn dây một liên khúc gồm mấy bài: Ru con trong bão tố, Bài ca của cô gái trên đồng cỏ… Ai đó nói rằng, khi nào mọi phương tiện nghệ thuật đều bất lực thì ở đó vang lên nhạc không lời. Chị thuộc lời những ca khúc đó, nên càng lặng đi khi những âm thanh hối hả, dồn dập, như gió bão của giai điệu thiết tha, sâu lắng trong lời ru của người mẹ cất lên. Cái cách bắt đầu bất ngờ đầy ấn tượng ấy đưa mọi người vào thế giới tưởng tượng huyền ảo của âm thanh. Vẫn chăm chú nhìn lên sân khấu, sợ mất đi hình ảnh những cánh tay mềm mại, cùng cây mã vĩ nhịp nhàng lên xuống, như bắt nhịp cho những thanh âm ru hồn vào cõi mộng, chị hỏi nhỏ: “- Anh thấy có tuyệt diệu không?”. Không thấy trả lời, chị quay lại đã thấy cái đầu cao hơn hẳn những người xung quanh ngoẹo sang một bên. Đúng lúc ấy chị cũng bắt gặp anh chồng bạn chị, ngồi phía bên kia nhìn sang. Chị vội lấy khuỷu tay hích vai anh. Chồng chị choàng mắt nhìn lên sân khấu. Từ lúc ấy chị mất hết cả cảm hứng nghe nhạc. Cứ nghèn nghẹn đầy ngực một cảm giác nặng nề khó chịu. Chị cúi gằm mặt xuống, không dám nhìn ai, mà vẫn có cảm giác tất cả khán giả đều quay lại nhìn xoáy vào mình, rồi không hiểu vì sao, nước mắt chị cứ ứa ra không sao kìm lại được.
Những giọt nước mắt rơi xuống chân, thấm qua làn tất mỏng vẫn còn ấm nóng, tạo nên một cảm giác thật lạ, làm bật lên từ trong sâu thẳm cõi lòng câu hỏi: “- Làm sao mình vẫn có thể chịu đựng được cuộc sống, với một người chồng như thế này?”. May mà chương trình liền mạch, không giải lao, nếu không, chị sẽ làm thế nào trong 15 phút dài như một thế kỷ ấy. Tiếng vỗ tay sau bản giao hưởng kết thúc làm chị ù tai. Đèn bật sáng mà như hàng trăm ngọn đèn pha chiếu vào mình. Cô bạn ngồi bên hỏi: “- Mày ốm à? Sao tự nhiên trông mắt mày cứ dại hẳn đi”. “- Không có chuyện gì đâu.” Chị biết rằng, một sự đổ vỡ không thể nào hàn gắn được đã xảy ra trong buổi hòa nhạc này. Chị gượng lấy lại vẻ mặt bình thường để chào các anh chồng bạn và tụi bạn. Cố lấy hết can đảm, chị đến trước mặt người nghệ sĩ violon, chồng cô bạn rất thân: “- Em cảm ơn anh, không phải chỉ vì những bản nhạc tuyệt tác đã sống dậy qua ngón đàn của các anh, mà còn vì nó mà em hiểu thêm được em và cuộc sống quanh em”.
Thấy vợ không đi về phía chiếc xe Toyota trắng toát, chồng chị bước nhanh cho kịp. “- Xe đỗ ở đằng này kia mà”. “- Em muốn đi bộ một mình”. “- Làm sao thế, em điên à?”. “- Thì cũng sắp điên rồi, anh cứ về đi, mặc em”. Chị đi như chạy. Chỉ ba bước, anh chồng đã túm được tay vợ giật lại làm chị mất đà, đôi giầy trắng cao gót dưới chân trẹo đi khiến chị khuỵu xuống dúi dụi. Anh chồng, tay như cái gọng kìm sắt, rít qua hai hàm răng: “- Về nhà ngay, hay cô muốn để cho thiên hạ bảo cô đi theo giai ngay trước mặt tôi?”. Chị cắn răng không nói một lời. Anh lái xe nhìn thấy tất cả.
Cửa vừa đóng lại sau lưng, chưa kịp cởi quần áo ngoài, chồng chị đã hầm hầm: “- Cô tưởng kiếm được đồng tiền dễ lắm đấy à? Tôi lăn lộn, tôi đánh vật với công việc suốt ngày, suốt tháng mới kiếm được đồng tiền cho cô ăn diện. Cô có trả lời ngay tôi được rằng, hiện cô có bao nhiêu quần, áo, váy không? Không chứ gì? Tôi chiều cô nên tôi mới đi. Tôi buồn ngủ thì tôi ngủ, tội lỗi gì nào? TV này, đầu video này, đĩa compact này, MMDS này. Còn muốn gì nữa cô nói đi?”.
Anh chồng nói một thôi một hồi, càng nói càng hăng, càng thấy vợ mình vô lý, vô lý hết chỗ nói, không thể nào giải thích được sự vô lý đó. Chị vợ ngồi im, chịu trận. Đến nỗi anh chồng nói xong, căn phòng bỗng rơi vào im lặng và giá lạnh như một nhà tù cấm cố.
Trong khi chồng nói, chị ngồi đấy, đôi mắt trân trân nhìn ra cửa sổ. Ngoài ấy, những ngôi sao lung linh trên một nền nhung đen huyền ảo. Ngoài ấy, hoa sấu thoang thoảng, càng về khuya càng nồng nàn thanh khiết. Chị vẫn ngồi đấy, nhưng tâm hồn thì đang lao xao trên những chùm hoa sấu li ti, bay lên những chùm sao li ti…
Anh chồng, thấy nói như thế là đủ mở mắt cho vợ, nên chấm dứt bằng một việc thực tế: “- Mấy giờ rồi mà cô còn chưa sang bà đón thằng bé về?”.
Nhắc đến con, chị chớp chớp mắt như sực tỉnh: “- Cứ để con bên bà cũng được. Em cần nói chuyện với anh. Anh là chùm khế ngọt cho người ta trèo hái, nên cũng được người ta lại quả, chia phần. Vì thế đừng nói vật lộn với đánh vật làm gì. Đúng là một cuốn sách, một bản nhạc không làm cho người ta no bụng một ngày. Nhưng lại có thể nuôi sống tâm hồn một người trong nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm. Em ráng sống với anh đến bây giờ, làm trọn nghĩa vụ của một người vợ, người mẹ là nhờ có những người bạn học và nguồn thức ăn ấy, chứ không phải là những tiện nghi sinh hoạt anh sắm. Và em cũng không để bị anh coi như một thứ tiện nghi sinh hoạt anh mua về. Bây giờ anh hãy thẳng thắn nhìn vào sự thật xem, em với anh, ngoài sự chung đụng về thể xác theo nghĩa vụ của một người vợ thì còn có gì chung nữa? Không một câu trò chuyện tâm tình chung, không một niềm vui chung. Sự việc hôm nay là một chứng cớ bày ra trước tất cả mọi người điều mà em cố tình giấu giếm: Em không có một người chồng đích thực của em, em không có một hạnh phúc đích thực của em. Có phải thế không ạ?”. “- Thì cứ cho là như thế đi thì sao?”. “- Hoặc là không sao mà cũng có thể là rất sao. Anh cứ suy nghĩ xem nên như thế nào?”
Rồi những ngày nặng nề u ám ấy cứ trôi đi. Họ sống như những cái bóng im lặng trong một biệt thự sang trọng. Thỉnh thoảng chị vẫn phải đi xe ôm vào trường. Hôm nay, suốt cả chặng đường đi lẫn về, ngoài lời chào, chị không nói với người lái xe ôm ấy câu nào. Nhưng đến ngã tư gần nhà, chị bảo: “- Tuần này tôi có ba buổi dạy vào các ngày thứ 2, 4, 6. Anh đến đón tôi ở đây được không ạ?”.
Thứ 6, trên đường về chị bảo: “- Anh cho tôi vào thăm cháu một chút, tôi có mấy cuốn sách cho nó”.
Sau lần nói với chị ao ước của mình, người lái xe ôm cũng không nói gì thêm ngoài những câu xã giao thông thường. Anh tôn trọng sự im lặng của chị. Nhưng trong lòng không thể không suy nghĩ và hy vọng, vì chị vẫn hẹn anh đến đón.
Vào nhà, con bé mừng đến mức reo lên khi thấy cô khách ngày nào cũng về với bố nó. Hai cô cháu nắm cánh tay nhau theo kiểu phụ nữ. Cô cháu trò chuyện một lúc rồi con bé ý tứ xin phép bố và chào cô đi. Chị bắt đầu câu chuyện như thế này: “- Tôi mong rằng câu chuyện thẳng thắn và trung thực giữa tôi và anh sẽ có thể giúp chúng ta hiểu nhau hơn. Anh sống bằng gì? Và cuộc sống bên trong của việc chạy xe ấy là cái gì vậy?”
Người lái xe ôm đứng dậy, lấy từ trên giá sách một chiếc cặp ba dây. “- Chị đừng vội tin những điều tôi nói bây giờ. Nếu những bài báo, những truyện này nói được một điều gì đó về tôi, thì chị hãy bớt chút thì giờ đọc nó. Sau mấy năm lao động ở nước ngoài, tôi mang về được món tiền kha khá. Nhưng vợ tôi đã không còn là mẹ của con gái tôi nữa. Kết quả việc phân chia tài sản theo tòa là tôi ở lại căn phòng này. Bù lại tôi phải đưa cho cô ta gần như tất cả số tiền mang về, số còn lại vừa đủ mua chiếc xe tôi vẫn chở chị. Việc con gái tôi ở lại với tôi chắc cũng nói được một điều gì đó về tôi và về mẹ nó. Những gì chị cần biết, chị hãy tin vào trực giác phụ nữ của mình. Tôi chạy tạm xe ôm, trong khi chờ năm học mới bắt đầu để vào dạy ở một trường Đại học phía Nam do bạn tôi phụ trách. Chạy xe ôm tôi không phải suy nghĩ, bận tâm về bất cứ điều gì. Bao nhiêu thời gian còn lại và toàn bộ tâm trí tôi dồn cả vào đây, xem số lượng và ngày tháng đăng tải những bài viết ấy, chị cũng thấy tôi đang sống như thế nào.
Mấy ngày sau chị đến: “- Cảm ơn những sáng tác của anh, vì nó mà em hiểu được khá nhiều về anh với cả những niềm vui, khao khát và buồn khổ của anh. Vì trong sáng tác của những người viết không chuyên nghiệp, người đọc đều thấy bóng dáng, có thể là cả nguyên mẫu của họ trong các nhân vật của mình”. Mắt anh sáng lên một niềm vui kỳ lạ: “- Trời ơi, em chính là nhà phê bình văn học của đời anh rồi”. Anh sôi nổi kéo chị vào lòng. Họ ôm nhau đến nghẹt thở. Chị thủ thỉ: “- Anh có biết em đã khóc khi đọc những trang viết của anh không?”. “- Anh không ngờ việc lái xe ôm lại cho anh cái diễm phúc được ôm báu vật trời cho này vào lòng. Hóa ra trời cũng có mắt đấy em ạ”. Chị gỡ tay anh: - “Anh đừng có làm văn nói với em đấy nhé”. “- Chẳng đúng như thế sao em?” Anh hấp tấp hôn lên đôi môi nóng bỏng của chị như một đứa trẻ khát sữa mẹ. Chị chưa từng biết đến một cái hôn như thế, kể cả chồng chị, nên những nụ hôn muộn mằn của anh, như đánh thức dậy cả thời con gái từ thẳm sâu trong chị.
… Bây giờ thì chị đã ngồi sát vào anh, tin cậy áp má lên lưng anh như một đứa trẻ. Anh cho xe chạy từ từ và quay đầu lại: “- Em phải nói thật nhé. Em thấy thế nào…? Lúc nãy ấy?” “- Việc gì em phải giấu anh nhỉ. Chưa bao giờ em biết cái trạng thái kỳ lạ như vậy”. Nói rồi chị cắn một cái vào lưng anh.
Chiếc xe màu xanh cánh cam vọt lên, “bay” trong ánh chiều hồng cánh sen.