Sự nghiệp giáo dục là của quần chúng. Mỗi chúng ta đều nhận thức rõ điều đó. Hơn 2.700 trường và các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố đang từng bước được đầu tư khang trang hơn, sạch sẽ hơn. Môi trường sư phạm đã có nhiều chuyển biến. Số lượng trường đạt chuẩn ngày một cao. Có những cấp học, quận, huyện, 100% số trường đã đạt chuẩn quốc gia. Điều đó, nói lên sự quan tâm sâu sắc của các cấp ủy đảng, chính quyền và công tác xã hội hóa đã nâng lên một tầm cao mới.
Chất lượng giáo dục của Thủ đô, từ nhiều năm nay, vẫn dẫn đầu cả nước. Có thể nói đó là đẳng cấp, không chỉ là phong độ nhất thời. Điều làm nên chất lượng tại các nhà trường, là vấn đề tuy không mới nhưng luôn được các cấp lãnh đạo quan tâm. Chúng ta đều biết, những nhóm tiêu chí làm nên chất lượng của một nhà trường, đó là nhóm đầu tư về con người (gồm đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ) đủ và chuẩn; là nhóm đầu tư về cơ sở vật chất (phòng học, ánh sáng, bàn ghế đủ chuẩn..); là nhóm về trang thiết bị, đồ dùng dạy học để phục vụ cho đổi mới phương pháp… cùng với một yếu tố quan trọng là các dịch vụ công phục vụ các điều kiện dạy và học trong nhà trường mà lâu nay chúng ta vẫn đang coi là “thứ yếu”.
Nhìn lại chặng đường hơn 10 năm qua, từ khi hợp nhất theo Nghị quyết 15/2008/NQ-TW của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính. Lúc ấy, giáo dục Thủ đô có diện mạo thế nào? với hơn 1.400 trường và các cơ sở giáo dục, có tới gần ½ số trường của các cấp học thiếu hoặc chỉ có nhà vệ sinh tạm. Tường bao, cổng trường, biển trường hoặc thiếu, hoặc làm tạm là tương đối phổ biến ở các huyện mới chuyển về Hà Nội. Lớp học thiếu ánh sáng, trang thiết bị nghèo nàn, bất cập, làm sao nói tới chất lượng cao. Chúng ta đã giải bài toán cơ sở vật chất bằng công tác xã hội hóa. Mỗi người dân đều có trách nhiệm với nơi con mình học. Họ đóng góp từ viên gạch, cân xi măng, một phần kinh phí để cùng nhà trường tạo nên những sân chơi, bãi tập, thư viện… cùng môi trường tốt nhất cho con học tập. Xã hội đã ghi nhận điều đó.
Qua hơn 10 năm, mỗi nhà giáo chúng ta đều vô cùng tự hào về sự trưởng thành của giáo dục Thủ đô. Tuy nhiên, đã có lúc, chúng ta cảm thấy mình đã tuột mất những cơ hội vàng. Có người đã từng nói, cái lỗi của giáo dục là không làm cho người khác, ngành khác hiểu về mình. Bởi vậy, một kết quả khả quan của sự cống hiến âm thầm tại Thủ đô, đôi khi là những điều đương nhiên phải có. Hơn nữa, về phía chủ quan, một số cán bộ quản lý giáo dục lại bằng lòng với chính mình, quên đi những việc phải thông tin với xã hội về tuyển sinh, chuyển trường; mức thu học phí, các khoản đóng góp theo quy định của trường; cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhà vệ sinh, đồ dùng dạy học, phòng học, ánh sáng, sân chơi, bãi tập; môi trường giáo dục, đội ngũ giáo viên nhà trường, sự gần gũi, thân thiện, sự công bằng trong môi trường giáo dục với học sinh; phương pháp giảng dạy của giáo viên; nhà trường phối hợp với gia đình; việc tổ chức các hoạt động giáo dục, dạy học; chăm sóc sức khỏe cho trẻ, học sinh. Thư viện, sách tham khảo; việc phụ đạo học sinh yếu, kém; bồi dưỡng học sinh giỏi; tổ chức các hoạt động giáo dục, trải nghiệm… Chúng ta cần phải nói với xã hội, nói với người dân về những việc làm của chúng ta. Đặc biệt, những dịch vụ giáo dục Nhà nước cung cấp để nâng cao chất lượng toàn diện. Đủ đến đâu, nếu thiếu thì người dân hiểu để cùng phối hợp thực hiện bởi sự nghiệp giáo dục là của quần chúng. Bài toán về chất lượng tại các nhà trường đôi lúc cũng chưa được thông tin đầy đủ hàng năm để người dân yên tâm khi gửi con vào học tập.
Năm học 2019-2020, thực hiện chỉ đạo của Bộ GDĐT về việc thực hiện đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công, Sở GDĐT Hà Nội đã triển khai đo lường sự hài lòng của cha mẹ học sinh về chất lượng dịch vụ giáo dục công tại các nhà trường và các cơ sở giáo dục.Với đối tượng khảo sát là cha mẹ học sinh các cấp học (Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT); Học sinh cấp trung học phổ thông và học viên các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên của 08 quận, huyện trên địa bàn Thành phố. Trong đó có 04 quận là Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng và 04 huyện là Gia Lâm, Thanh Trì, Thanh Oai và Mỹ Đức. Các quận, huyện được khảo sát đo lường sự hài lòng của người dân đại diện cho vùng, miền nội thành, ngoại thành, những nơi có điều kiện kinh tế, dân trí và cả những huyện còn khó khăn.
Đây là năm học đầu tiên, triển khai khảo sát đo lường sự hài lòng của người dân đối với các dịch vụ giáo dục công tại các nhà trường. Kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, nhằm đánh giá khoa học, khách quan, hiệu quả chất lượng cung ứng dịch vụ của các nhà trường thông qua việc tìm hiểu, cảm nhận của những đối tượng trực tiếp thụ hưởng những dịch vụ này. Đồng thời, là cơ sở để các cơ quan quản lý đánh giá chất lượng dịch vụ công của các nhà trường thuộc các cấp học trên địa bàn Thành phố. Sở GDĐT và Thành phố nắm bắt được yêu cầu, mong muốn của người dân để có những giải pháp cải thiện chất lượng cung ứng các dịch vụ công, góp phần nâng cao trách nhiệm, thái độ phục vụ người dân của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trong các nhà trường được tốt hơn. Qua đó, từng bước khắc phục những nhược điểm, tồn tại về chất lượng các dịch vụ công do nhà trường cung cấp. Đây là những việc làm hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay, khi mỗi người dân không chỉ là người giám sát mà còn là lực lượng phối hợp giáo dục trong mỗi nhà trường.
Sau thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19, học sinh bắt đầu trở lại trường học tập. Các Đoàn khảo sát tiến hành đo lường tại các quận, huyện. Tại những đơn vị được khảo sát, phụ huynh học sinh rất phấn khởi vì họ được đánh giá về nhà trường, qua mức độ hài lòng về những dịch vụ giáo dục công do nhà trường cung cấp. Đặc biệt có cả những nội dung về phối hợp giáo dục giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Hơn thế nữa, việc đo lường mức độ hài lòng về các dịch vụ giáo dục công, còn thể hiện vai trò giám sát chặt chẽ của người dân về chất lượng giáo dục đối với từng trường, từng cấp học trên địa bàn Thủ đô.
Từ ngày 27/5/2020, Sở GDĐT sẽ phối hợp với đơn vị độc lập, nhập dữ liệu và tổng hợp kết quả đo lường sự hài lòng của người dân về chất lượng dịch vụ giáo dục công đối với các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Kết quả này, sẽ được báo cáo UBND thành phố Hà Nội, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo để công bố mức độ hài lòng chung của Hà Nội với các tỉnh, thành trên cả nước về sự hài lòng của người dân đối với các dịch vụ giáo dục công.
Hy vọng rằng, hàng năm việc đo lường sự hài lòng của người dân đối với chất lượng giáo dục ở từng trường, từng cấp học sẽ tiếp tục được phát huy, tạo thành thước đo thường xuyên, để cán bộ quản lý các nhà trường thấy được những điểm mạnh của đơn vị mình, những điểm yếu cần được khắc phục. Đã đến lúc chúng ta không thể tự bằng lòng với kết quả đạt được hôm nay. Mỗi cán bộ quản lý các cấp học trên địa bàn Thủ đô, luôn tự hào và cần xác định đúng về những thành tích đạt được, trong đó có một phần đóng góp không nhỏ của những người dân trong việc chung tay, góp sức. Chúng ta phải là những người lái đò trên dòng sông ngược sóng. Không tiến ắt sẽ lùi./.
Đàm Xuân Quang - VP Sở