Tới dự, chỉ đạo chuyên đề có PGS. TS Đặng Thị Oanh - đồng chủ biên sách giáo khoa Khoa học tự nhiên - bộ sách Cánh Diều; TS Đặng Trần Xuân - Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội; Nhà giáo ưu tú Phạm Đàm Thục Hạnh - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai. Tới dự chuyên đề có các thầy, cô giáo là chuyên viên phòng Giáo dục và Đào tạo, giáo viên cốt cán bộ môn Khoa học tự nhiên của các trường THCS thuộc 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Nhà giáo ưu tú Phạm Đàm Thục Hạnh - Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai phát biểu khai mạc chuyên đề
Trong phần phát biểu khai mạc, Nhà giáo ưu tú Phạm Đàm Thục Hạnh - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai gửi lời cảm ơn tới Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã quan tâm chỉ đạo thực hiện chuyên môn; ghi nhận sự chuẩn bị chu đáo của trường THCS Hoàng Mai, sự chỉ đạo quyết liệt của phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai đối với việc xây dựng và thực hiện chuyên đề; đồng thời nhấn mạnh các buổi thực hiện chuyên đề của các phòng Giáo dục và Đào tạo chính là ngày hội chuyên môn chung của toàn Thành phố.
Cô giáo Phạm Thị Hường và học sinh lớp 8A5 trường THCS Hoàng Mai trong giờ chuyên đề KHTN
Cấu trúc tiết học “Nồng độ dung dịch (tiết 3)” được xây dựng thành một chuỗi hoạt động trải nghiệm STEM, đây là cấu trúc đặc trưng của môn KHTN. Trong đó thể hiện rõ được 3 yếu tố: S - Science (Khoa học); T-technology (Kĩ thuật) và M - Math (Toán học). Thông qua bài học, học sinh chiếm lĩnh được kiến thức về KHTN là khái niệm nồng độ mol, công thức tính nồng độ mol của một dung dịch (Science); vận dụng kiến thức về Toán học để chuyển hóa công thức tính nồng độ mol dung dịch thành các công thức khác và tính toán được khối lượng chất tan cần dùng để pha chế dung dịch... (Math); thông qua thực hành pha chế dung dịch có nồng độ mol cho trước, học sinh chủ động lập kế hoạch, đưa ra giải pháp để pha chế dung dịch, rèn luyện kĩ năng sử dụng các dụng cụ đo và các đồ dùng, thiết bị đặc trưng của bộ môn (Technology).
Với chuyên đề này, học sinh được phát triển những năng lực và phẩm chất thông qua hoạt động tìm hiểu và báo cáo các kiến thức về khái niệm nồng độ mol, công thức tính nồng độ mol và các công thức chuyển đổi; các em hiểu và thực hiện pha chế một dung dịch theo nồng độ mol cho trước. Đặc biệt tiết học đã khai thác triệt để công nghệ chuyển đổi số trong dạy học với hệ thống camera mô tả các hoạt động của quá trình dạy học, rèn kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin của học sinh thông qua trò chơi trên ứng dụng Quizizz. Các thành viên trong nhóm đều được tham gia hoạt động với những nhiệm vụ cụ thể, thảo luận và trình bày ý kiến của mình trong quá trình hoạt động nhóm; được tự đánh giá, đánh giá kết quả học tập của các bạn và của nhóm khác cũng như nhận được nhận xét, đánh giá của giáo viên để giúp học sinh tự biết sửa sai, củng cố, khắc sâu kiến thức.
Sau giờ dạy, TS Đặng Trần Xuân - Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chia sẻ về lí do lựa chọn chuyên đề, về việc chỉ đạo, định hướng các nhà trường mạnh dạn đổi mới trong tổ chức các hoạt động dạy học với mong muốn phát huy sức sáng tạo, chủ động của học sinh trong học tập nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và nâng cao chất lượng giảng dạy trong các trường THCS trên toàn thành phố Hà Nội.
TS Đặng Trần Xuân - Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Hà Nội điều hành nội dung thảo luận sau tiết dạy minh họa chuyên đề
TS Đặng Trần Xuân đánh giá cao việc thiết kế bài giảng và phương pháp dạy học trong tiết dạy chuyên đề KHTN của phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai. Từ chuyên đề này, PGS. TS Đặng Thị Oanh - đồng Chủ biên sách giáo khoa môn Khoa học tự nhiên - bộ sách Cánh Diều cũng có thêm những chia sẻ về phương pháp giảng dạy nội dung Hóa học.
PGS. TS Đặng Thị Oanh - đồng Chủ biên sách giáo khoa môn Khoa học tự nhiên - bộ sách Cánh Diều chia sẻ về nội dung chuyên đề trong bộ sách
Giáo viên các quận, huyện của Thành phố trao đổi, thảo luận, chia sẻ sau giờ dạy
Tiết chuyên đề đã đạt được mục tiêu đề ra, học sinh sôi nổi, tích cực và thể hiện tốt khả năng tự học, tự nghiên cứu của các em. Các em cũng bộc lộ tốt kĩ năng thuyết trình, làm việc nhóm, kĩ năng thực hành,...
Chuyên đề đã giúp các thầy, cô giáo có cơ hội trao đổi, nâng cao chuyên môn, tìm hiểu thêm các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực để áp dụng trong các giờ dạy nhằm phát triển năng lực cho học sinh. Đặc biệt, chuyên đề đã giúp các thầy cô hiểu rõ hơn và có thêm những kinh nghiệm mới trong việc thực hiện phương pháp dạy học theo chủ đề tích hợp liên môn, gắn với các giờ dạy trong thực tiễn và ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy các bài dạy theo định hướng giáo dục STEM.