Thông tin về “Kỳ thi Đánh giá tư duy thực hiện từ năm 2023” của Đại học Bách khoa

Thứ sáu, 23/12/2022, 15:28
Lượt đọc: 7160

Với mục tiêu mở rộng khả năng áp dụng kết quả bài thi Đánh giá tư duy cho các trường đại học, học viện khối ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, công nghiệp, nông nghiệp, y dược… và đặc biệt để bài thi phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông hiện hành cũng như chương trình giáo dục phổ thông mới, Đại học Bách khoa Hà Nội đã tiến hành điều chỉnh về cấu trúc, nội dung của bài thi, áp dụng từ năm 2023.

Thông tin vềKỳ thi Đánh giá tư duy thực hiện từ năm 2023” của Đại học Bách khoa

Với mục tiêu mở rộng khả năng áp dụng kết quả bài thi Đánh giá tư duy cho các trường đại học, học viện khối ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, công nghiệp, nông nghiệp, y dược… và đặc biệt để bài thi phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông hiện hành cũng như chương trình giáo dục phổ thông mới, Đại học Bách khoa Hà Nội đã tiến hành điều chỉnh về cấu trúc, nội dung của bài thi, áp dụng từ năm 2023.

Cấu trúc và nội dung các phần thi của Bài thi

 

TT

Phần thi

Hình thức thi

Thời lượng (phút)

Điểm

1

Tư duy Toán học

TN

60

40

2

Tư duy Đọc hiểu

TN

30

20

3

Tư duy Khoa học/Giải quyết vấn đề

TN

60

40

Tổng

150

100

Giải thích ma trận

a) Phần thi Tư duy Toán học: Phần đánh giá tư duy Toán học bao gồm các câu hỏi trắc nghiệm trong vòng 60 phút, đánh giá toàn bộ sự phát triển năng lực và tư duy toán của học sinh thông qua chương trình Toán học lớp 11, 12 tại Trường THPT và một phạm vi nhỏ kiến thức số học. Nội dung phần thi gồm kiến thức về: Số học, Đại số, Hàm số, Hình học, Thống kê và xác suất. Cấu trúc câu hỏi đòi hỏi phải có ý nghĩa cả về vấn đề và ngữ cảnh, đại diện cho các mối quan hệ Toán học; truy cập các kiến thức Toán học bằng trí nhớ; kết hợp với thông tin đã cho; mô hình hóa, tính toán và thao tác toán học; diễn giải; áp dụng các kỹ năng lập luận, đưa ra quyết định dựa trên toán học và thuật toán/tựa thuật toán phù hợp. Phần thi tư duy Toán học nhấn mạnh tới tư duy định lượng và áp dụng phần tính toán hoặc ghi nhớ các công thức. Thí sinh được sử dụng máy tính cầm tay theo quy định. Các câu hỏi hàm chứa các vấn đề từ dễ đến khó với độ tin cậy để đảm bảo phân hóa được mức độ sẵn sàng vào đại học của thí sinh.

b) Phần thi Tư duy Đọc hiểu: Phần thi này diễn ra theo hình thức trắc nghiệm, với thời gian 30 phút, nhằm đo lường khả năng đọc nhanh và hiểu đúng. Các câu hỏi yêu cầu học sinh chuyển hóa ý nghĩa từ một số văn bản thuộc các thể loại: Văn bản Khoa học, Văn bản Văn học, Văn bản Báo chí… nhằm đo lường khả năng thu thập được thông tin với những gì được tuyên bố rõ ràng và lập luận để xác định ý nghĩa tiềm ẩn. Cụ thể là, các câu hỏi yêu cầu học sinh sử dụng các kỹ năng viện dẫn và lập luận để xác định các ý chính, định vị và giải thích các chi tiết quan trọng; hiểu chuỗi các sự kiện; so sánh, hiểu mối quan hệ nhân quả; xác định ý nghĩa của từ, cụm từ và các tuyên bố dựa vào ngữ cảnh, khái quát hóa, phân tích giọng văn và phương pháp của tác giả; phân tích các đòi hỏi và bằng chứng trong các cuộc tranh luận và tích hợp thông tin từ nhiều văn bản liên quan Nội dung đọc hiểu trong đề thi đa dạng, phong phú, liên quan tới những chủ đề về khoa học, công nghệ, kinh tế, kỹ thuật, công nghiệp, nông nghiệp, tài chính, ngân hàng, y dược.

c) Phần thi Tư duy Khoa học/Giải quyết vấn đề: Phần thi này của Bài thi gồm các câu hỏi trắc nghiệm, với thời gian 60 phút, nhằm đo lường cách giải thích, phân tích, đánh giá, lý giải và các kỹ năng giải quyết vấn đề cần thiết trong lĩnh vực khoa học. Phần thi Tư duy Khoa học của Bài thi là một tập hợp các thông tin khoa học, theo sau đó là các câu hỏi trắc nghiệm nhằm đo lường khả năng: tính, giải thích được dữ liệu; chỉ ra được phương án phù hợp với thông tin khoa học; thiết lập và thực hiện được các mô hình đánh giá, suy luận và kết quả thử nghiệm. Thông tin khoa học được truyền tải theo một trong ba định dạng khác nhau: biểu diễn dữ liệu (đồ thị khoa học, bảng biểu và sơ đồ), tóm tắt nghiên cứu (mô tả một hoặc nhiều thí nghiệm liên quan) hoặc quan điểm xung đột (hai hoặc nhiều tóm tắt mô hình lý thuyết, hiện tượng không phù hợp với nhau).

Những điều chỉnh hướng tới nhiều lợi ích của thí sinh:

- Cấu trúc và nội dung bài thi được điều chỉnh theo hướng gọn nhẹ hơn (từ 270 phút xuống còn 150 phút);

- Xóa bỏ tư duy theo tổ hợp môn học (từ Toán + Đọc hiểu + Khoa học tự nhiên + Tiếng Anh  thành nội dung đánh giá tư duy Toán học, tư duy đọc hiểu và tư duy giải quyết vấn đề) để phù hợp với Chương trình giáo dục THPT mới áp dụng;

- Mở rộng các ngành tuyển sinh đại học gồm khoa học công nghệ, kinh tế, kỹ thuật, công nghiệp, nông nghiệp, tài chính, ngân hàng, y dược;

- Thi trắc nghiệm trên máy tính trong thời gian 1 buổi (150 phút);

- Tổ chức thi nhiều đợt, nhiều địa điểm thi;

- Cấp giấy chứng nhận kết quả thi có thời hạn trong 2 năm;

- Đăng ký xét tuyển vào bất cứ trường Đại học nào sử dụng kết quả của Kỳ thi;

- Không giới hạn đối tượng dự thi, số lần dự thi.

Để có thêm cơ sở triển khai tổ chức kỳ thi trong năm 2023 và những năm tới, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức Hội thảo vềKỳ thi Đánh giá tư duy thực hiện từ năm 2023. Thời gian từ 8h30 - 11h30, Thứ 3 ngày 27/12/2022 tại Phòng Hội thảo C2, Đại học Bách khoa Hà Nội, Số 1 Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và các em học sinh quan tâm tới Hội thảo này có thể liên hệ theo đia chỉ: Phòng Tuyển sinh, Đại học Bách khoa Hà Nội. Điện thoại: 0243.868.3408. Email: tuyensinh@hust.edu.vn.

Tác giả: Phòng Quản lý thi và KĐCL

Người đăng tin: Phòng Quản lý thi và KĐCL

Nguồn tin: Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội

Tin cùng chuyên mục

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Địa chỉ: Số 81 Thợ Nhuộm, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội 
Điện thoại: 
024.39421429 (giờ hành chính), 024.39421420 (ngoài giờ hành chính); Fax: 024.39423985
Email: vanphongso@hanoiedu.vn, sogiaoduc@hanoiedu.vn 
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội

Tập đoàn công nghệ Quảng Ích