Trong suốt hai chín năm
công tác trong ngành giáo dục, đi cùng một nửa chặng đường cùng ngành giáo dục
thủ đô, đối với tôi đó là một hành trình với biết bao thăng trầm, những kỉ niệm
vui buồn. Ước mơ trở thành cô giáo ngày nào đã gắn với cuộc đời tôi với sự
nghiệp trồng người, để giờ đây khi sắp đến tuổi nghỉ hưu, nhìn lại quá trình
công tác của mình ở những thời điểm khác nhau những kí ức âm thầm lại dội về
như những ngày nào.
Tốt nghiệp Đại học sư phạm, tôi mang theo sự nhiệt tình cùng
những tri thức mới mẻ trở về quê hương bắt đầu sự nghiệp trồng người – trường
cấp II Phương Đình. Không giấu nổi chút bỡ ngỡ trong những ngày đầu đứng trên
bục giảng nhưng khi nhìn xuống ánh mắt đầy tò mò và tin cậy của học trò, tôi
nhận ra vai trò lớn lao và tự hào khi được làm “Thầy”. Điều đó luôn nhắc nhở
tôi không ngừng hoàn thiện mình để xứng đáng với niềm tôn kính của các thế hệ
học trò.
Không ngại khó khăn, tháng 2 năm 1987 trước tình hình thiếu
giáo viên, tôi về dạy lớp Bốn cấp I Phương Đình. Lúc này người giáo viên chịu
trách nhiệm giảng dạy tất cả các môn học và rèn luyện, uốn nắn cho học sinh
trên mọi phương diện: từ cách đọc diễn cảm, viết những chữ hoa hay đưa các em
vào sự khám phá thế giới xung quanh với những bài học đơn giản, hoặc qua những câu
chuyện. Điều kiện cơ sở vật chất khó khăn,chúng tôi tự khắc phục bằng cách tự
tay làm những đồ dùng đơn giản phù hợp với sự tiếp nhận còn mang tính trực quan
của các em. Tôi nhận ra rằng: nhẹ nhàng, ân cần và tận tình là điều đầu tiên để
có thể gần gũi với con trẻ. Có lẽ điều đó một phần làm lên phong cách riêng của
tôi trước mọi thế hệ học trò.
Tháng 10 năm 1988, duyên cớ đã đưa tôi về trường vừa học vừa
làm Thọ Xuân. Những thay đổi giờ giấc lên lớp và chương trình học của đối tượng
học sinh vừa học vừa làm đã nảy sinh vấn đề cho người giáo viên là làm sao vừa lo thực
hiện nhiệm vụ giảng dạy vừa khắc phục thời gian cho phù hợp với điều kiện hoàn
cảnh của các em. Mục đích cuối cùng là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người
đi học hoàn thành khóa học. Hơn lúc nào hết rất cần sự gần gũi và chia sẻ giữa
thầy và trò, cùng nhau gỡ những vướng mắc, khó khăn về cuộc sống và phương pháp
học.
Sau hai năm, tôi về Bổ túc văn hóa tập trung, thực hiện một
lúc hai nhiệm vụ: vừa dạy văn hóa cho người lớn vừa làm công tác xóa mù. Cả hai
công việc đều thử thách sự kiên nhẫn, linh hoạt và bền bỉ.
Cho đến 1994, tôi về hẳn Giáo dục thường xuyên. Lúc này đối
tượng dạy học phong phú về mọi lứa tuổi và hoàn cảnh như: học sinh khó khăn,
học sinh đi học muộn lứa tuổi, người lớn không biết chữ… Sự thiệt thòi và vất
vả, thiếu thốn về điều kiện sống của học sinh cần rất nhiều ở người giáo viên
một tình yêu thương sâu sắc. Dường như tôi đã quen những ngày đến trường trong
nhiều tư cách, khi là thầy, là cha, là mẹ, có lúc là người bạn, thậm chí phải
tự đặt vào vai trò của học sinh để vừa tìm hiểu, lắng nghe, chia sẻ, thấu hiểu
và thuyết phục học trò trong hành trình gian nan theo đuổi “cái chữ” .
Khi phong trào xóa mù chữ đã phát triển, năm 1996 tôi về
phòng giáo dục làm cán bộ phụ trách khối mầm non. Nhiệm vụ chính là đi gây dựng
những xã trắng không có lớp học mầm non như: Hồng Hà, Liên Hà… Sau những ngày
trực tiếp lặn lội về các xã làm việc với chính quyền địa phương động viên,
tranh thủ từ mọi nguồn ủng hộ và kêu gọi sự góp sức của những người có trách nhiệm, những lớp học mầm non đã ra
đời. Ngày trẻ thơ được đến trường trong niềm phấn khởi rạng rỡ của các bậc cha
mẹ, tôi như được an ủi và tiếp thêm sức mạnh. Có lẽ, người ta sẽ không bao giờ
được hái quả ngọt nếu không tự tay mình vun trồng và biết khai hoang, vỡ đất.
Đến ngày 05 tháng 3 năm 1997, tôi được về trường THPT Đan
Phượng giảng dạy môn Sinh học theo đúng chuyên ngành mình học. Đến thời điểm
này, tưởng chừng là điểm cuối cùng của mơ ước: ước mơ trở lại trường cũ với tư
cách là một cô giáo để tiếp nối truyền thống hiếu học của quê hương đã trở
thành hiện thực. Nhưng rồi số phận và duyên nợ với những học sinh có những mảnh
đời bất hạnh, cơ nhỡ, thiếu những nét chữ đầu tiên đã đưa tôi về với ngành GDTX
từ năm 2002 cho đến hôm nay.
Dù ở bất cứ ngành học, cấp học nào, tôi đã không ngừng nỗ lực
và cố gắng. Có những thời điểm khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua trước
những gánh nặng của cơm áo đời thường, nhưng chính trong hoàn cảnh đó đã thử
thách lòng yêu nghề và nhiệt huyết của tôi. Giờ đây mỗi khi nhớ lại, trong lòng
tôi lại dấy lên niềm xúc động nghẹn ngào. Đó không phải là những kỉ niệm thơ
mộng về ngôi trường với những cành phượng vĩ rực rỡ dưới hè, hay những lớp học
thân thương sau tán bằng lăng và những tiết học được đứng trên bục giảng trong
tà áo trắng thướt tha trước hàng chục con mắt say sưa của học trò như muốn nuốt
từng lời dạy của cô. Ngôi trường của tôi những năm 90 của thế kỉ XX là một phần
hiện thực khó khăn của xã hội. Đơn giản chỉ là chiếc giường nhỏ hay chiếc chõng
tre với một thầy, một trò đã là bố của trẻ con. Trong gian nhà cấp bốn tềnh
toàng, không phòng khách, không bàn uống nước, xung quanh là một đống khoai
lang héo quay quắt đã nhú mầm do để quá lâu phòng dự cho những ngày đói. Cậu
học trò nghèo mặc trên người mỗi mảnh quần đùi đen cũ kĩ ngồi trên chõng tre,
một tay giữ con nhỏ, một tay tập viết theo cô đến thật tội nghiệp. Nhưng chỉ
cần nhìn nét mặt rạng rỡ của em khi đánh vần và viết được chữ O, chữ A rồi dần
dần viết được tên mình, trong lòng tôi tự nhủ: “ Cuộc chiến với giặc dốt là một
cuộc chiến gian nan nhưng nhất định sẽ thắng lợi”. Mang theo một niềm tin mãnh
liệt ấy, cứ thế vào những buổi trưa buổi tối, khi mọi người đã yên giấc ngủ tôi
lại lặng lẽ đến với chiếc bảng đen bằng tờ giấy sơn dầu chỉ bằng 1m2
( thiết bị dạy học hồi đó nhà trường phát cho những giáo viên đi dạy xóa mù).
Để buổi học thuận lợi, tôi thường mang theo vài cái kẹo bột cho đứa trẻ để cháu
chơi ngoan cho bố cháu học bài. Cuối cùng, điều tôi chờ đợi cũng đạt được. Từ
những con chữ ngả nghiêng, tôi bất ngờ nhận được bài thơ được viết nắn nót cùng
lời cảm ơn sâu sắc của học trò:
“Vở
này ta tặng cháu yêu ta
Tỏ
chút lòng yêu cháu gọi là
Mong
cháu gia công mà học tập
Mai
sau cháu giúp nước non nhà”.
Cứ âm thầm như thế, với tư cách là người chiến sĩ trên mặt
trận giáo dục, tôi đã góp một phần nhỏ vào việc giúp các em tự đánh đuổi giặc
dốt, mang đến những niềm hạnh phúc nhỏ nhoi, bình dị trong cuộc sống. Hạnh phúc
ấy là khi giúp được những em gái đến tuổi trường thành vẫn mù chữ, nhờ tôi dạy
để biết viết tên mình trong tờ giấy đăng ký kết hôn, là niềm vui hiện trên từng
ánh mắt, khóe môi của những người lớn lần đầu tiên đọc được một dòng chữ trên
báo. Đến nay, những học trò đó đã lên ông, lên bà, có những hạnh phúc riêng của
mình. Mỗi lần gặp lại họ, tôi lại nhận được những lời tri ân bằng những lời
chào hỏi thân tình, lời cảm ơn, lời nhắc nhở về quá khứ và cả những lời khen
mộc mạc : ‘‘sao cô vẫn còn trẻ thế !’’. Những con người ấy không là
những bác sĩ, những kĩ sư hay một người nổi tiếng mà đơn giản chỉ là những con
người đời thường. Họ đã trưởng thành, biết sống lương thiện, biết vun đắp cho
gia đình và luôn thấm thía ý nghĩa của việc học. Để rồi họ gửi gắm niềm tin và
dành tất cả những gì có thể cho con cháu được ăn học đàng hoàng không thiệt
thòi như ông bà , cha mẹ chúng.
Thời gian với những đổi thay của xã hội, cho đến hôm nay cùng
với chặng đường 60 năm thành lập ngành giáo dục thủ đô, Trung tâm giáo dục
thường xuyên Đan Phượng của chúng tôi cũng tròn 20 tuổi, cũng là 20 năm tôi gắn
bó với ngành học. Những
buổi đầu, mỗi ngày đến trường chỉ thưa thớt vài chục học sinh, với ba phòng
học, thiếu thốn mọi mặt về phương tiện dạy học và cho đến nay số học sinh đã có
đến hơn một nghìn học sinh . Mặc dù cơ sở vật chất chưa được khang trang như
những ngôi trường THPT trong huyện, nhưng đối với tôi điều đó đã đánh dấu bước
trưởng thành của ngành học. Cái tên Trung tâm giáo dục thường xuyên Đan Phượng
là trở thành điểm đến tin cậy của phụ
huynh và học sinh. Sự đa dạng về loại hình học tập cùng sự tích cực không ngừng
nghỉ của tập thể cán bộ công nhân viên và giáo viên trung tâm đưa ngành học hòa
nhập và đáp ứng nhu cầu đổi mới phong phú của nền giáo dục. Hơn thế, mỗi thế hệ
học trò bước chân đến Trung tâm đều cảm nhận được sự tận tình dạy dỗ của các
thầy cô. Kết quả học tập và sự thành đạt của các em học sinh là niềm tin cho sự
phấn đấu, trưởng thành của Trung tâm trong những năm tháng tiếp theo.
Mỗi ngày trôi qua, dù ở cương vị của một người lãnh đạo, tôi
vẫn không quên nhiệm vụ, tư cách của mình trước hết là một người thầy. Những
trang giáo án còn nguyên nét mực chứa đầy tâm huyết trước mỗi tiết học khiến
tôi luôn nhận được sự kính trọng, yêu quý của học trò. Sự dung hòa giữa cương-
nhu, giữa lí trí và tình cảm đã mang lại sự thanh thản tâm hồn sau mỗi ngày làm
việc. Có lẽ điều đó đã giữ lại cho tôi nét trẻ trung trong ánh mắt cảu đồng
nghiệp và học trò cũ.
Giữa rừng hoa lớn những thế hệ giáo viên mẫu mực, tôi chỉ là
một bông hoa bé nhỏ. Xin chắp bút gửi đôi điều tâm sự về cuộc đời nhà giáo và một
điều tâm niệm ‘‘Cần lắm ở trái tim người thầy lòng yêu trẻ, yêu nghề’’. Đó sẽ
là động lực lớn lao có sự thôi thúc và niềm tin cho mỗi người giáo viên vững
bước, thành công và hạnh phúc với nghề mình đã chọn.