Tác giả: Đại tá - Nhà giáo Phùng Bá Đam
Giáo viên trường THPT Đông Đô-Hà Nội
Chỉ còn vài ngày nữa là kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng Miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2020). Ngồi trong lớp giảng bài trực tuyến cho học sinh chống dịch covid-19. Ký ức trong tôi lại hiện lên 1 thời chiến tranh đầy kỷ niệm lại ập về.
Tôi sinh ở vùng chiêm trũng Khai Thái, Phú Xuyên, Hà Nội. Năm 1966 là cán bộ ngân hàng kiến thiết tỉnh Hà Tây. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước lên cao. Tháng 7/1967 tôi được động viên vào quân đội rồi bổ sung vào trung đoàn 66, Sư đoàn 304 tham gia nhiều chiến dịch lớn Xuân 1969 Đường 9 Nam Lào 1971, Xuân 1972 và 81 ngày đêm khói lửa bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Giải phóng thượng Đức 1974 và chiến dịch Xuân 1975. Đặc biệt chiến dịch ấn tượng kỷ niệm sâu sắc nhất đời quân ngũ "Chiến dịch Hồ Chí Minh Lịch sử 1975".
Đánh chiếm Sài Gòn hình thành 5 mũi tiến công: Quân đoàn 2 đảm nhiệm hướng Đông Nam Sài Gòn.
Ngày 27/4/1975 sau khi đánh chiếm căn cứ Nước Trong, BTL Quân đoàn 2 quyết định thành lập lực lượng mạnh đột kích, thọc sâu gồm: Trung đoàn 66 bộ binh được phối thuộc lữ đoàn 203, xe tăng thiết giáp, cùng một số lực lượng binh chủng Pháo binh, pháo cao xạ, công binh… của quân đoàn, biên chế mỗi tiểu đội bộ binh ngồi trên xe tăng, xe thiết giáp số còn lại ngồi trên xe ô tô bánh hơi hành tiến chiến đấu, có nhiệm vụ thọc sâu hướng đông Nam Sài Gòn, đánh chiếm đài phát thanh, căn cứ hải quân và Dinh Độc lập.
Lúc đó tôi - Trung úy Phùng Bá Đam - Trưởng Tiểu Ban cán bộ Trung đoàn 66, được giao nhiệm vụ đi Sở Chỉ huy phía trước cùng đại úy, Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó 66, Trung úy Nguyễn Văn Nhu, trợ lý tham mưu, binh nhất Nguyễn Huy Hoàng, chiến sỹ truyền đạt, hạ sỹ Bàng Nguyên Thất, chiến sĩ thông tin 1/2W và lái xe Đào Ngọc Vân.
Sáng 30/4/1975 lực lượng thọc sâu của quân đoàn đập tan tuyến phòng thủ mạnh nhất của địch trên cầu Sài Gòn qua ngã tư Hàng Xanh rồi tiếp tục chiến đấu đập tan tuyến phòng thủ cuối cùng trên cầu Thị Nghè qua thảo cầm viên, tiến thẳng vào Dinh Độc lập. Chiếc xe tăng đi đầu húc vào cổng phụ bên trái, bị kẹt phải dừng lại, chiếc xe tăng thứ 2, húc đổ cổng chính tiến vào sân dinh (sau này mới biết xe tăng đi đầu 843 do Trung úy Bùi Quang Thận, đại đội trưởng xe tăng đi sau là 390 do trung úy Vũ Đăng Toàn, chính trị viên đại đội chỉ huy. Xe Zeep chỉ huy Sở của chúng tôi do Đào Ngọc Vân lái, lách lên vào cửa hành lang sảnh Dinh Độc lập khi chúng tôi xuống xe các nhà báo trong, ngoài nước vây quanh, chụp ảnh, xin chữ ký.
Được sự hướng dẫn của các nhà báo, biệt động thành Đại úy Phạm Xuân Thệ và tôi cùng cán bộ chiến sỹ chạy lên cầu Thang, lái xe Đào NGọc Vân giật lá cờ giải phóng trên tay người đàn ông chỉ đường theo chúng tôi lên tầng 2, ra tiền sảnh phất cờ chiến thắng. Tại tầng 2, chúng tôi gặp một người cao gầy mặc quân phục cộc tay tự giới thiệu: "Tôi là chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hanh, Phụ tá; Tổng thống Dương Văn Minh, báo cáo cấp chỉ huy, nội các chính quyền Sài Gòn đang chờ sẵn cấp chỉ huy ở phòng họp". Theo hướng dẫn của chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hanh, Đại úy Phạm Xuân Thệ, tôi (trung úy Phùng Bá Đam) trưởng tiểu ban cán bộ , trung úy Nguyễn Văn Nhu, trợ lý tác chiến, Thiếu úy Đinh Thái Quang, trợ lý tuyên huấn trung đoàn (đi với tiểu đoàn 7) và Hạ sỹ Bàng Nguyên Thất, chiến sỹ thông tin 1/2W, binh nhất, Nguyễn Huy Hoàng chiến sỹ truyền đạt cùng một số cán bộ, chiến sỹ tiểu đoàn 7, lữ đoàn 203 vào Phòng họp căn phòng rộng rãi, trang bị nội thất hiện đại người ngồi chật kín nhưng bao trùm một không khí ảm đạm, thấy chúng tôi bước vào không ai bảo ai, tất cả đều đứng dậy, một người cao lớn, vạm vỡ, mặt vuông chữ điền, mặc quân phục màu rêu, cộc tay, đeo kính cận bước lên. Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh chỉ người đó giới thiệu: "Báo cáo cấp chỉ huy đây là ông Dương Văn Minh, tổng thống, rồi ông chỉ tiếp vào người hơi thấp; trán cao, mặc bộ com lê màu đen, thắt cà vạt trắng, đeo kính cận dáng trí thức: "Đây là Thủ tướng, Vũ Văn Mẫu" ông hơi cúi đầu, chào chúng tôi, Dương Văn Minh bước lên một bước, "Báo cáo cấp chỉ huy tôi biết quân giải phóng tiến công vào nội đô, chúng tôi chờ sẵn quân giải phóng vào để bàn giao".
Đã được cấp trên quán triệt, anh Thệ tuyên bố: Các anh đã thua bị bắt làm tù binh, các anh phải đầu hàng vô điều kiện, các anh không có gì để bàn giao. Anh Thệ bước lên, tước súng ngắn của Dương Văn Minh, cả phòng im phăng phắc trước lời tuyên bố cứng rắn, dứt khoát của anh Thệ. Dương Văn Minh bị hẫng, chuyển từ tư thế chủ động sang bị động lúng túng, cúi đầu chờ đợi.
Trước tình hình chiến sự diễn ra mau lẹ quyết liệt, để đỡ xương máu của đồng bào, đồng chí đại úy Phạm Xuân Thệ trung đoàn phó bàn với chúng tôi (các trợ lý trung đoàn) và quyết định nhanh chóng đưa Dương Văn Minh, tổng thống và Vũ Văn Mẫu thủ tướng chính phủ chính quyền Sài Gòn sang đài phát thanh Sài Gòn để tuyên bố đầu hàng vô điều kiện càng sớm càng tốt. Anh Thệ nói "Các anh phải ra ngay đài phát thanh Sài Gòn tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Thấy vậy Dương Văn Minh lo lắng ngồi xuống ghế thở dài rồi nói như nài nỉ: "Xin cấp chỉ huy cho tuyên bố đầu hàng tại Dinh Độc lập, ra ngoài đường phố không bảo đảm an toàn".
Anh Thệ nói: "Sài Gòn đã giải phóng, chúng tôi bảo đảm an toàn cho các anh". Thấy vậy Vũ Văn Mẫu nói nhỏ với Dương Văn Minh rồi đứng dậy nói "Xin tuân lệnh cấp chỉ huy". Chúng tôi đưa Dương Văn Minh, rời khỏi phòng họp, nội các chính quyền Sài Gòn một số nhốn nháo, sợ hãi. Còn Minh lớn cúi đầu lững thững đi theo chúng tôi. Khi xuống bậc thang cuối cùng. Dương Văn Minh chỉ về phía tay trái nói "Mời các ông lên xe".
Anh Thệ nói "Chúng tôi đã có xe" rồi chỉ về xe Zeep, chúng tôi nhanh chóng lên xe. Ngồi phía trước: Lái xe Đào Ngọc Vân ngồi giữa Dương Văn Minh. Anh Thệ ngồi ngoài. Ngồi phía sau: bên trái là tôi (Phùng Bá Đam), ngồi giữa Vũ Văn Mẫu, ngồi bên trái Nguyễn Văn Nhu, ngồi hai bên thành xe là chiến sỹ thông tin Nguyễn Huy Hoàng và Bàng Nguyên Thất, đi sau hộ tống là 2 xe ô tô của đại đội 2, tiểu đoàn 7. Khi xe chúng tôi từ từ chuyển bánh rời khỏi sân Dinh Độc lập do Dương Văn Minh chỉ đường thì các đồng chí chỉ huy lữ đoàn 203 xe tăng thiết giáp cũng bắt đầu vào Dinh Độc lập. Trên đường đi xe tăng thiết giáp ô tô chở bộ đội ta đã tiến vào, tràn ngập đường phố, nhân dân đổ xô ra mặt đường giương cao cờ, hoa, vẫy chào đón quân giải phóng. Các phóng viên, nhà báo quay phim, chụp ảnh, làm việc nhộn nhịp như ngày hội. Xe của chúng tôi phải luồn lách mãi mới đến được đài phát thanh Sài Gòn.
Thấy chúng tôi đến đồng chí Trương Quang Siêu, tiểu đoàn trưởng, đồng chí Hoàng Trọng Tình chính trị viên tiểu đoàn 8 chạy ra đón rồi đồng chí Siêu báo cáo anh Thệ trung đoàn phó: "Tiểu đoàn 8 đã chiếm được đài phát thanh Sài Gòn". Anh Thệ biểu dương tiểu đoàn 8, hoàn thành tốt nhiệm vụ và yêu cầu dẫn Dương Văn Minh lên đài phát thanh ngay. Đồng chí Trương Quang Siêu và đồng chí Trần Viết Cả, trung đội trưởng trinh sát đưa chúng tôi lên tầng 2, đến nơi các nhân viên đài phát thanh đã bỏ chạy hết: Chúng tôi để Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu ngồi chờ ở phòng khách đồng chí Hoàng Trọng Tình gặp ông già bảo vệ yêu cầu đi tìm nhân viên đài phát thanh, nghe được nhà báo Kỳ Nhân hãng AP thường trú Sài Gòn nói "Tôi biết được nhà các nhân viên ở khu cư xá" rồi dẫn đồng chí chuẩn úy Trần Viết Cả, trung đội trưởng và đồng chí Đinh Văn Lâm, tiểu đội trưởng trinh sát đi tìm thượng sỹ.
Trong lúc chờ đợi nhân viên đài phát thanh đồng chí Đại úy Phạm Xuân Thệ, trung đoàn phó tôi (trung úy Phùng Bá Đam, trưởng tiểu ban cán bộ trung đoàn) thiếu úy Đinh Thái Quang, trợ lý tuyên huấn Nguyễn Văn Nhu trợ lý tham mưu, đồng chí trung úy Trịnh Ngọc Ước, trợ lý chính sách đi với tiểu đoàn 8 đến, mỗi người một ý rồi thống nhất ý tứ thảo lời tuyên bố đầu hàng, anh Thệ chấp bút, làm gần xong thì một người cao to, đội mũ cứng đeo súng k59 bước vào đứng nhìn chúng tôi một lúc rồi hỏi "Các anh ở đâu? anh Thệ trả lời "Tôi Phạm Xuân Thệ đoàn phó đoàn Đông Sơn" (biệt hiệu của Trung đoàn 66 lúc bấy giờ). Rồi người đó tự giới thiệu "Tôi trung tá Bùi Tùng, chính ủy lữ đoàn 203, tôi tưởng các anh là người của quân đoàn nên không tham gia khi vào Dinh Độc lập các anh trong chỉ huy lữ đoàn nói Dương Văn Minh đã được đưa ra đài phát thanh Sài Gòn tôi vội ra đấy luôn".
Đồng chí Thệ giới thiệu chúng tôi với đồng chí Bùi Tùng và nói may quá anh đã ra đây mời anh cùng tham gia rồi đưa bản thảo cho đồng chí Bùi Tùng xem, đọc xong đồng chí Tùng nói "Các anh làm thế là được" rồi đưa cho đồng chí Thệ, giao cho Tổng thống Dương Văn Minh đọc. Minh loay hoay mãi không đọc nổi vì chữ anh Thệ viết khó xem, rồi Minh đề nghị cấp chỉ huy đọc lại cho tôi chép". Đồng chí Đinh Thái Quang lấy tờ giấy pô luya màu lục trên bàn đưa cho Dương Văn Minh. Đồng chí Phạm Xuân Thệ đọc to "Tôi đại tướng Dương Văn Minh, tổng thống chính quyền Sài Gòn thì Minh dừng lại, ngẩng đầu lên đề nghị "Cấp chỉ huy cho tôi xưng hô chỉ đại tướng thôi, vì ông Trần Văn Hương không làm nên tôi phải đảm nhiệm mới hai ngày sợ nói Tổng thống thì dân không nghe, chúng tôi không đồng ý, đồng chí Bùi Tùng nói dù một ngày, một giờ ông cũng là tổng thống. Đằng này ông nhận chức Tổng thống trên tay Trần Văn Hương những hai ngày, phải viết đúng mới có giá trị.
Thấy không thể thay đổi được Dương Văn Minh phải chấp nhận viết tiếp, viết xong đồng chí Thệ cầm tờ giấy đưa cho đồng chí Tùng kiểm tra rồi đưa cho Dương Văn Minh đọc, đồng chí Đinh Thái Quang trợ lý Tuyên huấn mở máy ghi âm để thu thì cuộn băng bị rối, tôi vội chạy vào phòng hệ thống trưởng truyền thanh Sài Gòn Nguyễn Văn Thăng lấy chiếc cặp và một số băng ghi âm, có cả băng trắng, đưa cho đồng chí Quang thu nhưng băng vẫn bị rối, anh em kết luận máy bị hỏng phần cơ. Cùng lúc một người nước ngoài cao lớn, râu quai nón tự giới thiệu là nhà báo Cộng hòa Liên bang Đức "Máy của tôi tốt, mời các ông sử dụng". Chúng tôi đồng ý nói xong ông ta lắp băng, mở máy ghi âm thu lời tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện quân giải phóng Miền Nam.
Ghi âm xong chúng tôi lại bàn với nhau phải có lời chấp nhận tuyên bố đầu hàng mới có giá trị, đồng chí Bùi Tùng nói anh Thệ làm luôn, đồng chí Thệ nói anh Tùng làm. Hai anh cứ đùn đẩy nhau. Thấy vậy tôi đề nghị đồng chí Bùi Tùng thay mặt quân giải phóng Miền Nam chấp nhận lời tuyên bố đầu hàng. Vì đồng chí là người chỉ huy cao nhất ở đây, lại quê ở Miền Nam, thay mặt quân giải phóng Miền Nam là phù hợp, mọi người nhất trí, đồng chí Tùng lấy tờ giấy pô luya màu lục trên bàn viết ngắn gọn "Toi đại diện quân giải phóng Miền Nam…." xong đọc cho chúng tôi nghe, nhất trí, rồi đồng chí đọc trực tiếp vào máy ghi âm.
Đồng chí Tùng đọc xong thì thủ tướng Vũ Văn Mẫu xin được phát biểu, đồng chí Tùng gạt đi và nói "không cần thiết". Ông Mẫu nài nỉ "Xin chỉ huy cho tôi nói ngắn gọn, chỉ kêu gọi không có đổ máu, không có tàn sát".
Chúng tôi đồng ý, rồi ông Mẫu nói "Tôi thủ tướng Vũ Văn Mẫu, kêu gọi đồng bào yên tâm quân giải phóng đã vào giải phóng Sài Gòn không có đổ máu, không có tàn sát. Mọi hoạt động trở lại bình thường". Lúc này nhà báo Kỳ Nhân đã được nhân viên đài phát thanh Sài Gòn về làm việc. Chúng tôi sang phòng bá âm cùng nhân viên đài phát thanh, sau khi nhờ mở máy kiểm tra kỹ thuật mọi thông số tốt, đồng chí Phạm Xuân Thệ đưa băng ghi âm cho nhân viên đài phát thanh mở máy phát đi trên làn sóng, lời tuyên bố đầu hàng của tổng thống Dương Văn Minh, lời chấp nhận tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của quân giải phóng Miền Nam. Lúc này là 12h30 phút giờ Sài Gòn ngày 30/4/1975 để nhân dân cả nước và thế giới chứng kiến giờ phút trọng đại của lịch sử dân tộc Việt Nam.
Tâm trạng tôi lúc này vô cùng sung sướng, xúc động chợt nghĩ về quê hương, gia đình vợ và con trai đầu lòng, xa cách mấy năm chưa được gặp, thế là hy vọng có ngày đoàn tụ gia đình. Song buồn vui lẫn lộn nhớ lại các bạn đồng ngũ, đồng đội nhiều người còn nằm lại ở chiến trường còn tôi cũng rất may mắn góp phần nhỏ bé vào chiến thắng, đỡ đổ xương máu cho đồng bào đồng chí kể cả phía bên kia chiến tuyến là người Việt Nam.
Tháng 9/1975 tôi được đơn vị cử đi học đào tạo lớp chính ủy trung đoàn đầu tiên của thời bình, sau lên công tác Quân khu 2, chống Trung Quốc xâm lược tháng 2/1979 rồi về Học viện chính trị - quân sự đào tạo cán bộ chính trị cấp chiến thuật, chiến lược cho quân đội để kế tiếp lớp cán bộ đi trước.
Khi đến tuổi nghỉ hưu, tôi đã lựa chọn con đường tiếp tục dạy học và được giáo sư Văn Như Cương tiếp nhận dạy trường THPT Lương Thế Vinh và Tiến sĩ Võ Thế Quân - Hiệu trưởng Trường THPT Đông Đô Hà Nội mời dạy môn giáo dục công dân, giáo dục quốc phòng. Tham gia phó bí thư chi bộ, chủ tịch Hội CCB nhà trường, ủy viên BCH Hội CCB quận nên có điều kiện giáo dục đạo đức cách mạng, giáo dục truyền thống dân tộc, quân đội và giáo dục quốc phòng an ninh cho lớp lớp thế hệ thanh niên, học sinh tiếp bước truyền thống cha anh để xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam. Đó là tâm huyết cuộc đời người lính chiến chúng tôi được cống hiến sau hậu chiến cho đất nước trường tồn và phát triển.