I.
VÀO NGHỀ
Tôi còn nhớ, đó là mùa tựu trường
năm 2008, năm đầu tiên tôi được phân công về dạy học tại trường THCS Lê Quý Đôn
- ngôi trường cấp 2 rộng rãi và khang trang nằm ngay ngắn trên con đường Nguyễn
Văn Huyên rợp mát bóng cây xanh. Vẫn còn vẹn nguyên trong tôi cái cảm giác bồn
chồn và bỡ ngỡ, cái run rẩy của đôi bàn chân lần đầu bước vào một môi trường
mới mẻ, lạ lẫm, cái thảng thốt âu lo của một đứa trẻ non nớt mới chập chững vào
nghề. Không phải tôi chưa bao giờ đứng trên bục giảng. Ngay khi vừa rời giảng
đường đại học, tôi đã hăm hở cùng bạn bè nộp hồ sơ, rồi thi giảng và may mắn
được nhận vào một trường cấp 3 của thành phố để dạy học. Hai năm đứng lớp, với
kiến thức đã được trang bị, với cái hăm hở của tuổi trẻ, tôi đã rất tự tin mỗi
giờ lên lớp…
Thế nhưng, lần này lại khác. Học
trò của tôi không phải là những cô thiếu
nữ đã biết kết tóc làm duyên hay mấy anh chàng đã bắt đầu biết trèo cây hái
phượng thả vào giỏ xe áo dài trắng nữa. Trước mắt tôi, chao ôi, toàn là một lũ
nhóc ti ti và đặc biệt nhí nha nhí nhố. Chúng vô tư, hồn nhiên, ngây thơ và
trong trẻo đến đáng ghét. Lớp 6 mà!Chúng là trang giấy trắng tinh khôi. Nhưng
tôi đến khổ với những trang giấy đó. Trong lớp, chúng hồn nhiên cười đùa, tranh
cãi, hồn nhiên trêu chọc nhau, hồn nhiên
đi lại cứ như thể cô giáo chẳng hề tồn tại trong lớp. Đã thế, động một cái là
chúng lại thưa cô: “Con thưa cô, bạn Khánh lấy thước kẻ của con!”, “Con thưa
cô, bạn Tùng viết bậy vào vở con!”…Thôi thì tôi phải làm vị quan tòa bất đắc
dĩ, phân giải đủ mọi chuyện trên trời, dưới biển của chúng. Đau đầu nhất là
việc hướng dẫn cho các bạn ấy học và ghi chép bài. Vốn từng dạy các anh chị lớp
lớn, đã quy củ, nề nếp, ghi chép đâu vào đó quen rồi, nay dạy các em mới lên lớp 6, viết còn chậm chạp, nắn nót, lại tự do trong lớp, tôi stress và hoang mang
thực sự. Hoang mang không chỉ vì môi
trường thay đổi, học sinh thay đổi mà còn vì phương pháp dạy và học cũng đã đổi thay. Tôi tự dò dẫm tìm đường cho mình
để hòa nhập với môi trường giáo dục mới mẻ, để đáp ứng được yêu cầu của ngôi
trường mình giảng dạy. Nhưng mọi chuyện, với một đứa dân tỉnh lẻ, xa nhà, xa
quê, có đủ thứ chuyện cơm áo gạo tiền phải lo, đó là việc thật không hề dễ dàng
chút nào.
Giữa lúc đó, tôi gặp cô. Cô là giáo
viên dạy Văn có tiếng trong Quận. Cô lạnh lùng và nghiêm khắc. Cảm giác đầu
tiên của tôi khi ấy là sợ. Từ lúc về trường, tôi chưa bao giờ thấy cô cười,
nhất là với giáo viên trẻ như chúng tôi. Thi thoảng, tôi nghe được vài câu
chuyện rì rầm về cô. Lũ học trò cô dạy thì khác, chúng luôn kể về cô với sự
thán phục và kính trọng. Còn tôi, mỗi lần gặp cô, tôi lại lảng lảng xa cách…
II.
THỬ THÁCH
Rồi ngày
ấy cũng đến. Trong cuộc họp tổ để phân công đào tạo giáo viên trẻ, người được
phân công phụ trách tôi chính là cô. Tôi như đứa trẻ con lần đầu vào lớp 1,
thấy trường mới, lớp mới, cô giáo mới mà run.
Thử thách
đầu tiên mà tôi nhớ mãi, đó là khi tôi được phân công dạy chuyên đề cấp Quận.
Cảm giác của tôi lúc đó thật khó diễn tả. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ tôi đã lo
lắng thế nào. Một đứa vừa mới về trường chưa trọn một kì học, chưa kịp quen tên hết học trò chứ nói gì tới việc dạy,
lại còn dạy chuyên đề để giáo viên Văn trong toàn quận về dự nữa mới chết. Tôi
đang băn khoăn, mơ hồ chưa biết làm gì thì sáng hôm ấy, vừa ăn Tết Nguyên Đán
xong, đang tập trung học sinh dưới sân trường, cô gọi tôi đến nói:
-
Cháu về chọn một bài trong học kì 2, soạn và hai hôm nữa đưa giáo án cho cô sửa.
Trời ạ, làm sao mà kịp. Nhưng, thôi đành. Chả lẽ “cãi”
cô.
Hai hôm
sau, đúng lịch, tôi nộp giáo án nhờ cô sửa. Cô cầm giáo án viết tay của tôi,
gọi tôi ra một góc nhỏ trong phòng hội đồng. Cô đọc chăm chú, gạch bút đỏ tỉ
mẩn vào giáo án của tôi, mặc tôi ngồi im lặng lo lắng, hồi hộp dù trong lòng
vẫn le lói chút tự tin vì đã thức cả hai đêm để soạn bài, chắc cô cũng chẳng
sửa nhiều. Sau gần tiếng đồng hồ, cô nghiêm mặt nhìn tôi:
- Cô thấy bài soạn
có vẻ chưa có sự đầu tư. Cháu soạn như thế này cô nghĩ là chưa thể dạy
được. Bây giờ cô hướng dẫn, cháu ghi chép lại, về soạn lại rồi gửi cô…..
Mặt tôi đỏ
bừng, tai tôi bắt đầu ù đi. Cô sửa nhiều lắm, tỉ mỉ từng li từng tí. Tên bài
viết ở đâu, xác định mục tiêu bài như thế nào, tới cách xây dựng nội dung, câu
hỏi để hướng dẫn học sinh... Cô nói nhiều lắm. Tay
ghi lại những điều cô góp ý nhưng trong bụng thì cứ thắc mắc tại sao lại phải
tỉ mẩn thế làm gì nhỉ, quan trọng nhất là nội dung kiến thức chứ. Kiến thức
mình khai thác sâu thế mà cô chả khen lấy một câu. Ấm ức vậy nhưng tôi vẫn
ngoan ngoãn về soạn lại.
Hai hôm
sau, tôi lại xin gặp cô để gửi giáo án. Lần này, cô bận đi thăm người ốm cùng
lãnh đạo nhà trường. Cô vốn là chủ tịch Công đoàn mà. Cô hẹn tôi trưa ở lại.
Trưa. Tôi đợi mãi mới thấy cô về. Trời nắng. Mặt cô đỏ bừng, mướt mồ hôi. Vừa
dựng xe, cô đã gọi tôi vào, hai cô trò tranh thủ sửa bài ở phòng bảo vệ. Đôi
mắt cô nhíu lại, chăm chú đọc. Thỉnh thoảng cô dừng lại, gỡ gọng kính nhỏ
xuống, nhìn ra xa xăm và suy nghĩ rồi lại đọc chăm chú. Một hồi lâu, cô bảo
tôi:
- Lần trước, cô dặn cháu những gì? Cháu về đã soạn lại
chưa, sao vẫn còn nhiều lỗi thế này. Cháu nên sửa….
Thế là lại một lần nữa tôi thất bại. Mà lạ,
tôi cũng đã sửa rồi mà. Sao vẫn chưa được
nhỉ. Suốt hai năm dạy cấp 3, tôi cũng soạn bài cẩn thận lắm, có thấy ai
kêu ca gì đâu. Không những vậy, tôi còn được đánh giá là có năng lực và tố chất
văn chương nữa chứ. Trong lòng dù còn nhiều hoài nghi lắm nhưng tôi lại lầm lũi
mang bài về soạn lại. Lòng thầm cảm ơn bởi những giọt mồ hôi vẫn đang mặn mòi
chảy trên vầng trán cô suốt buổi trưa dài.
Lần thứ ba, tôi mang bài đến cô sửa. Nhìn
đôi mắt cô, tôi thoáng thấy chút thất vọng. Chẳng lẽ, tôi kém cỏi đến thế kia
ư? Cô nhìn thẳng vào mắt tôi và nghiêm giọng:
- Cô hỏi thật cháu, cháu có học sư
phạm không? Sao cháu soạn bài thế này? Thôi, lần này cô không sửa nhiều nữa.
Mai cháu lên lớp dạy thử, cô xem thế nào rồi tính tiếp.
Tôi nín thinh chẳng nói được câu gì.
Hôm sau, tôi lùa học sinh lên lớp với tâm
trạng phấp phỏm. Hôm nay cả tổ Văn sẽ dự giờ và góp ý cho bài dạy của tôi. Còn
tôi thì không còn đủ tự tin sau ba lần soạn bài thất bại. Và điều tôi dự đoán
quả thực không sai. Tôi bị góp ý tơi bời khói lửa: Nào là bài dạy không có sự đổi mới phương
pháp, cô thì thao thao bất tuyệt còn trò thì chép mỏi cả tay; Nào là bài dạy
chưa phát huy được tính tích cực, tự giác của học sinh; Nào là bài dạy khai
thác chưa hợp lý, chưa trọng tâm, phá vỡ hoàn toàn cấu trúc văn bản…Nghe góp ý
mà tôi nước mắt ngắn dài. Nghĩ mà tủi. Sao mọi người toàn thấy cái xấu mà chả
gạn đục khơi trong gì cả. Mình đã mất bao thời gian công sức mà không được ghi
nhận một tí tẹo nào. Buồn. Thất vọng. Và hơn cả là tự ti. Buổi họp tổ kết thúc
trong tâm trạng nặng nề, chán nản.
Tối hôm ấy, tôi về nhà, tính chuyện mặc
kệ, năng lực mình có vậy, mình đã cố hết sức rồi mà chưa được thì biết làm thế
nào. Quá tam ba bận rồi chứ ít ỏi gì. 11h đêm, cô gọi:
- Cháu thế nào rồi, đã bình tĩnh hơn chưa?
- Dạ…cháu…
- Cháu thấy đấy, để dạy một tiết, người thầy
phải chuẩn bị rất công phu. Quan trọng là kiến thức, nhưng có kiến thức chưa
phải là tất cả, nhất là với học sinh cấp 2, đặc biệt là khối 6. Khi dạy, mình
phải biết tìm tòi, suy nghĩ làm thế nào để học sinh chiếm lĩnh kiến thức vừa dễ
dàng vừa hiệu quả mà vẫn gây hứng thú. Cô tin cháu có năng lực nhưng kinh
nghiệm của cháu là số 0 tròn trĩnh. Vì vậy, cháu cần phải cố gắng rất nhiều để
trau dồi chuyên môn vững vàng….
Trong cái tĩnh
lặng của đêm khuya, giọng nói của cô cứ trầm ấm đều đều bên tai. Tôi cảm nhận
được ở đó một cái gì ấm áp lạ. Đó không chỉ là sự sẻ chia của một đồng nghiệp
dày dặn kinh nghiệm với một đứa trẻ non nớt mới vào nghề. Ở đó, tôi cảm nhận
được sự chân thành của một nhà giáo tâm huyết và say nghề, một người luôn hết
lòng vì đồng nghiệp, vì học trò. Chẳng trách, ở trường này, bao nhiêu người
ngưỡng mộ cô. Chẳng trách, lũ học trò của cô năm nào cũng đỗ trường chuyên lớp
chọn đông đến vậy, chẳng trách sao chúng nó yêu cô nhiều đến thế. Tôi thấy cay
cay nơi sống mũi. Dường như, có một thứ ánh sáng gì đó rất lạ đang ửng hồng lên
nơi sâu thẳm trái tim.
Và, sau hơn hai tháng với chín
lần sửa giáo án, sáu lần lên lớp và rất nhiều đêm thức trắng lựa chọn hình ảnh,
chỉnh sửa giáo án điện tử, trau chuốt từng phông nền, từng nét chữ, từng màu
sắc, hai cô trò chúng tôi đã có được một giáo án hoàn chỉnh cho ngày dạy chuyên
đề.
Hôm đó, cô đến rất sớm, hướng dẫn những
giáo viên khác hỗ trợ tôi chuẩn bị phòng ốc, kê bàn ghế, chuẩn bị loa đài, máy
tính. Gần năm chục giáo viên toàn quận ngồi chật ních phòng chuyên đề. Đứng
trên bục giảng, tôi tìm cô để tìm nơi trấn tĩnh cho trái tim đang run rẩy của
tôi nhưng không thấy. Tiết học bắt đầu. Cả phòng học im phăng phắc… Bốn lăm
phút trôi qua thật nhanh. Bài học kết thúc. Tiếng vỗ tay của giáo viên và học
sinh vang lên không ngớt. Mọi người tặng hoa và chúc mừng tôi. Tôi tìm cô. Phía
sau bao bạn bè, đồng nghiệp khác, cô tiến lại gần tôi, đôi bàn tay thô sần của
cô ấm áp nắm lấy tay tôi. Cô cười. Lần đầu tiên tôi thấy cô cười, nụ cười cũng
ấm áp đến lạ kì. Hôm nay, giọng cô thật nhẹ, thật hiền:
-
Cô chúc mừng cháu! Tiết học của cháu đã thành công rồi. Cô lo quá nên không dám
vào dự….
Nước mắt tôi rưng rưng. Tôi chỉ muốn
ôm chầm lấy cô mà khóc: “Tiết dạy này không phải của cháu đâu, tiết dạy này
chính là tâm huyết của cô, là cái tâm
của một nhà giáo suốt đời vì đồng nghiệp, vì học trò …”
III.
TRƯỞNG THÀNH
Bây giờ, tôi đã lập gia đình, đã trưởng thành hơn
trong cuộc sống và trong công việc. Tôi cũng đã gặt hái được những thành tích
nhất định, đã được phụ huynh và học sinh tin yêu hơn. Tuy không còn là đứa trẻ
non nớt trong nghề nữa, nhưng cô vẫn luôn sát cánh bên tôi, luôn chỉ bảo cho
tôi, quan tâm tới tôi như thuở ban đầu. Tôi đã không còn “sợ” gương mặt lạnh
lùng, ánh mắt nghiêm khắc của cô như ngày xưa nữa bởi tôi biết, phía sau gương
mặt ấy, ánh mắt ấy là một thế giới hoàn toàn khác. Tôi luôn tin tưởng chia sẻ
với cô những khó khăn trong cuộc sống, những vướng mắc trong tình cảm hay cả
những thị phi của cuộc đời. Và lần nào cũng vậy, tôi luôn nhận được từ cô những
lời khuyên, những bài học chân thành nhất, những bài học của người cô, người
thầy, người mẹ.
Suốt bảy
năm qua, ngoài những giờ lên lớp, tôi vẫn là cô trò nhỏ, vẫn cắp sách đến lớp ngồi nghe cô giảng bài
như bao cô cậu học trò khác. Nhìn mái tóc cô điểm bạc, gương mặt đã sạm đi vì
tuổi tác mà giọng giảng bài vẫn trầm ấm, say sưa, ánh mắt vẫn ngời lên niềm
hạnh phúc của người đi gieo hạt giống tâm hồn, tôi thầm cảm phục, kính trọng
cô.
Bao lứa
học trò đã đi qua, bao mùa xuân trở lại, bao mầm non đã vươn tỏa lá cành, chỉ
có đôi mắt ấy, giọng nói ấy, tâm hồn ấy là vẫn không thay đổi. Và thật may mắn,
tôi đã tìm được niềm hạnh phúc, niềm vui của nghề giáo từ những giờ lên lớp
nghe cô giảng bài như vậy. Tôi đã gom góp, chắt chiu những giọt nắng ấm áp nhân
văn tỏa chiếu từ trái tim cô để làm sáng thêm trái tim mình.
Đôi lúc,
tôi trốn thị thành xô bồ, ồn ào để dạo chơi chân trần trên thảm cỏ non xanh ven
dòng sông Hồng ngày đêm cuộn chảy, lòng thầm ước ao, một ngày nào đó, sẽ có
những mầm cỏ non tơ đón nhận những giọt nắng nhỏ bé, trong trẻo mang hơi thở,
hoài vọng và khát khao sống đẹp tỏa chiếu từ trái tim mình….