Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có PGS.TS Vũ Thị Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Đồng chí Nguyễn Quang Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo. Đại biểu tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Công An Thành phố, Ban Kiểm tra liên ngành quận, huyện, thị xã, đại diện lãnh đạo, chuyên viên các phòng của Sở Giáo dục và Đào tạo và hơn 600 Giám đốc Trung tâm, Giám đốc Công ty, đại điện pháp luật của các trung tâm thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên trên địa bàn Thành phố.
Trong thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của các trung tâm, nhưng đa số các trung tâm đã nỗ lực khắc phục khó khăn tổ chức triển khai các hình thức dạy học thích ứng, linh hoạt để duy trì hoạt động, đảm bảo cam kết chất lượng đầu ra và đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo chung của Thành phố. Cơ sở vật chất, trang thiết bị được giữ gìn, bảo quản tốt; nhiều trung tâm đầu tư, tái đầu tư thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu học tập trực tuyến kết hợp trực tiếp, từng bước triển khai chuyển đổi số theo định hướng đổi mới quản lý giáo dục (nhiều phần mềm quản lý, dạy và học được thiết kế được phụ huynh và học sinh đón nhận); các trung tâm đã quan tâm đến đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; rà soát, cập nhật chương trình, tài liệu dạy học; tổ chức các phương án, hình thức dạy học linh hoạt, phù hợp nhu cầu học tập; có xu hướng nhóm lớp nhỏ; cung ứng lộ trình gói học trực tuyến toàn phần; kết hợp dạy học trải nghiệm, câu lạc bộ … rất đa dạng.
Bên cạnh đó, vẫn còn số ít trung tâm chưa chấp hành đúng quy định pháp luật liên quan trong lĩnh vực hoạt động: không chấp hành báo cáo đúng hạn; thay đổi nội dung hoạt động (chuyển địa điểm, dừng hoạt động…) không tiến hành báo cáo và đăng ký thay đổi Giấy chứng nhận hoạt động với Sở Giáo dục và Đào tạo; một số vấn đề nổi cộm, cá biệt như tranh chấp trong vi phạm thu phí; không đảm bảo quyền lợi của học sinh, giáo viên…chưa giải quyết triệt để, không tạo được sự đồng thuận giữa với phụ huynh dẫn đến đơn thư, khiếu kiện kéo dài, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, uy tín, chất lượng trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn nói chung của các trung tâm ngoại ngữ nói riêng.
Hội nghị ghi nhận 15 ý kiến phát biểu, thảo luận tập trung vào các nhóm công việc sau: giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tại các trung tâm; công tác cải cách thủ tục hành chính; chế độ chính sách cho cán bộ giáo viên, học viên; công tác thi đua khen thưởng; việc dạy Tiếng Anh tăng cường có yếu tố giáo viên người nước ngoài trong và ngoài nhà trường; khó khăn trong thủ tục cấp giấy phép lao động cho giáo viên nước ngoài; việc quản lý chỉ đạo các trung tâm trên địa bàn hoạt động... Các ý kiến, câu hỏi, đề xuất, kiến nghị của các đơn vị đều được lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ quản quản lý chuyên môn trả lời và hướng dẫn, giải đáp cụ thể.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Quang Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đã ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của các trung tâm trong thời gian qua, đồng thời yêu cầu Thanh tra Sở, các phòng chuyên môn thuộc Sở, Ban Kiểm tra liên ngành quận, huyện, thị xã, theo chức năng, nhiệm vụ, tăng cường công tác quản lý chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, đảm bảo các trung tâm hoạt động hiệu quả, đúng quy định, không vi phạm pháp luật; hướng dẫn, hỗ trợ thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện tốt nhất để các trung tâm hoạt động. Đối với doanh nghiệp, trung tâm cần quan tâm tới công tác tuyển chọn đội ngũ cán bộ giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại phục vụ cho việc dạy và học tốt nhất, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác quản lý và dạy học; đặc biệt quan tâm tới công tác an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ và phòng, chống dịch bệnh; thực hiện công khai theo đúng quy định; tăng cường việc tự học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nghiên cứu kỹ các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ cho công tác quản lý và dạy học; thực hiện báo cáo về Sở Giáo dục và Đào tạo và phòng Giáo dục và Đào tạo theo đúng quy định./.