Ánh mắt Nậm Mười
Càng gần những ngày cuối năm 2014, dường như ai cũng cảm thấy thời gian như trôi nhanh hơn! Với trách nhiệm là Hiệu trưởng Trường tiểu học Giang Biên, tôi cảm nhận rất rõ các hoạt động triển khai theo chỉ đạo của ngành Giáo dục- Đào tạo quận Long Biên dường như cũng trở nên sôi nổi hơn.
Trong bối cảnh ấy, tôi hiểu kế hoạch tổ chức chuyến thiện nguyện với chủ đề “Mùa Xuân cho em”của trường Tiểu học Giang Biên với mục đích đi thăm và tặng quà tết cho các em học sinh đơn vị kết nghĩa - Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Mười, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái mà tôi dự kiến sẽ phải triển khai sớm hơn. Vì nếu đi vào ngày 7-8/2/2015 sẽ trùng với “Ngày hội Công nghệ thông tin” do ngành Giáo dục - Đào tạo quận Long Biên tổ chức.
Thú thực, việc thay đổi ấy khiến tôi rất lo lắng, vì thời gian chuẩn bị phải rút ngắn, trước dự định có gần một tháng chuẩn bị giờ chỉ còn mười ngày! Mặt khác, ban đầu Trường TH Giang Biên dự trù chuẩn bị 100 suất quà, mỗi suất trị giá 200 ngàn đồng để tặng cho 100 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi của trường.
Nhưng khi gọi điện thoại trao đổi với thầy giáo Dương Xuân Trường, Hiệu trưởng Trường PTDTBT-TH Nậm Mười, tôi mới biết hiện Trường tiểu học Nậm Mười có 389 em học sinh học ở 5 điểm trường.
Lớp ghép tại điểm trường Nậm Mười.
Nghe tôi thông báo là Trường TH Giang Biên sẽ chuẩn bị 100 suất quà tặng cho 100 em học sinh nghèo, vượt khó, học giỏi thì thầy Trường nói: “Chị Huyền ơi, cách đây 25 năm, chị từng là giáo viên dạy học ở Nậm Mười này, chị quá biết gia đình các em học sinh dân tộc trên này khó khăn, thiếu thốn như thế nào.
Các em đều có hoàn cảnh giống nhau, cần chọn đúng 100 em học khá giỏi, chăm ngoan để tặng quà cũng chọn được thôi, nhưng tôi đã thấy trước, tất cả những em còn lại sẽ rất tủi thân. Vậy mong chị thử xem thế nào nhé, nếu có đủ quà tặng cho tất cả 389 em học sinh là quý nhất”.
Nậm Mười là xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn, toàn xã có 625 hộ với 3.484 nhân khẩu, hầu hết là đồng bào người dân tộc Dao, H’Mông và Thái, chủ yếu sống bằng nghề nông và trồng quế. Đời sống bà con các dân tộc nơi đây cũng đã có nhiều đổi thay nhưng vẫn còn không ít khó khăn. Các thôn bản cách trung tâm xã trung bình 8 km, thôn xa nhất cách 16km.
Chủ trương xây dựng cơ sở vật chất, tạo điều kiện học tập cho con em ngày một tốt hơn là khát vọng thường trực của Đảng ủy, UBND xã Nậm Mười, nhưng do nguồn lực có hạn, nên nhiều dự định chưa biết bao giờ mới thành hiện thực. Các em học sinh học tại 5 điểm trường là: La Háu Pành, Làng Cò, Khe Kim, Nậm Bướu và Ngã Hai. Khó khăn lớn nhất đối với thầy và trò Trường PTDTBT-TH Nậm Mười là lớp học còn đơn sơ, thiếu ánh sáng, cơ sở vật chất nghèo nàn.
Một điểm trường Nậm Mười chìm trong buốt lạnh những ngày cuối năm.
Nhân câu chuyện, tôi hỏi: “Trường mình đã có được bao nhiêu bộ máy vi tính cho học sinh học tập rồi hả anh Trường?”, tôi nghe rõ tiếng thở dài nhè nhẹ từ phía Hiệu trưởng Nậm Mười: “Nói thật với chị, trường chúng tôi chỉ có 1 bộ máy tính trang bị cho văn phòng làm việc thôi”. Đang vui, tôi bỗng thấy buồn làm sao. Trường tôi, tuy trang thiết bị và đồ dùng dạy học chưa thật đầy đủ nhưng hiện cũng có 01 phòng học vi tính, 1 phòng học Tiếng Anh DynEd với gần 80 bộ máy để phục vụ cho học sinh học môn Tin học và Tiếng Anh. Vậy mà đến nay, các em học sinh ở Nậm Mười vẫn chưa có một bộ máy tính nào.
Tối đến, nhớ lại những trao đổi mộc mạc của Hiệu trưởng Dương Xuân Trường mà tôi ứa nước mắt. Cả đêm hôm ấy, những ánh mắt vui lẫn ánh mắt buồn của trẻ thơ Nậm Mười cứ hiện lên trước mắt tôi, rồi chập chờn theo vào giấc ngủ.
Để đến được trường Nậm Mười, chuyến xe của đoàn thiện nguyện phải đi qua mấy con suối như thế này.
“Mùa xuân cho em” -Mùa xuân nhân ái
Chúng tôi quyết định dù thế nào cũng phải thực hiện chương trình “Mùa xuân cho em” vào ngày 24-25/01/2015 và hối hả bắt tay vào công việc. Dù trước đó đã được sự ủng hộ, đóng góp của tập thể cán bộ, giáo viên, cha mẹ học sinh nhà trường nhưng mục tiêu phải có gần 400 suất quà vẫn làm tôi lo lắng, rối bời.
Tôi gọi điện thoại chia sẻ với bạn bè gần xa, người thân của tôi, nói thẳng với mọi người rằng đây chính là dịp để chúng ta thể hiện cái tâm thiện nguyện đối với các trẻ em vùng cao đang còn nhiều khó khăn. Khi nghe tôi thông báo về mục đích, ý nghĩa chuyến đi, ai cũng vui vẻ nhận lời và còn động viên tôi rất nhiệt tình.
Dù không còn nhiều thời gian, nhưng hễ có ai mách bảo, hay đã liên hệ giúp là tôi lại trực tiếp đi gặp những nhà hảo tâm để xin cho các cháu. Có hôm tôi còn đi Ba Vì để gặp ông Nguyễn Văn Đoan, một bác nông dân vừa được tôn vinh danh hiệu “Nông dân sản xuất giỏi toàn quốc năm 2014” để đề nghị ông tham gia tài trợ cho chương trình, tôi cũng gửi công văn đề nghị công ty Xăng Dầu Phát - Hải Phòng và nhiều doanh nghiệp khác tài trợ cho chương trình...
Tác giả bài viết trao quà cho các em học sinh.
Sau gần 10 ngày huy động các nguồn lực xã hội tài trợ, ủng hộ cho chương trình, chúng tôi đã tiếp nhận được 70 thùng sữa, hơn 1.000 quyển vở ô ly, gần 400 quyển sách giúp trẻ làm quen với Tiếng Anh, gần 200 chiếc áo khoác mùa đông mới, 10 thùng bánh ngọt, hơn 100 đôi tất chân và gần 50 triệu đồng tiền mặt do các cơ quan, doanh nghiệp, các tập thể, cá nhân ủng hộ.
Chúng tôi đã sử dụng số tiền đó để mua bổ sung thêm cho đủ áo ấm, vở viết, bánh kẹo, tất chân...tổng giá trị quà tặng, học bổng và trợ cấp khó khăn là 100 triệu đồng. Nhiều người không những đã ủng hộ mà còn đồng hành cùng chương trình, tham gia cùng đoàn thiện nguyện đi lên Nậm Mười trao quà cho thầy và trò nhà trường.
Ngày 24/1/2015, đoàn thiện nguyện “Mùa xuân cho em” lên đường với 24 thành viên, gồm Đại diện GV và HS và phụ huynh HS trường TH Giang Biên, các doanh nhân, nông dân, cựu chiến binh, nhà giáo, nhà báo, nhạc sỹ vượt gần 300 km từ Hà Nội về đến Nghĩa Lộ…
Đoàn thiện nguyện chụp ảnh lưu niệm cùng các em học sinh.
Từ Nghĩa Lộ lên Nậm Mười đường khó đi và dốc cao đến nỗi chiếc xe 29 chỗ không thể đi tiếp mà đành nằm lại ở Nông trường Liên Sơn. Tuy nhiên chiếc xe tải nhẹ mà chúng tôi thuê tại địa phương để chở quà và xe ô tô 12 chỗ của Đài PT-TH Hà Nội chở nhóm phóng viên vẫn quyết tâm, vượt suối, trèo đèo, bò lên Nậm Mười. Mọi người trong đoàn được anh chị em giáo viên Nậm Mười đưa lên núi cao bằng xe máy. Có đi lên đây mới hiểu và cảm thông về những khó khăn mà anh chị em giáo viên phải chịu đựng trong hàng chục năm qua.
Khi lên tới nơi, mới biết đi “xe ôm” còn sướng hơn nhiều so với người ngồi trong ô tô, vì đường đi lên núi Nậm Mười vô cùng hiểm trở, 1 bên là vách núi, 1 bên là vực thẳm, nhiều đoạn đường cua, bị nước xói trơ đá, xóc kinh hoàng.
Buổi lễ trao quà diễn ra trong không khí ấm áp và vui tươi. May mắn là tiết trời không lạnh lắm, nắng Nậm Mười như rực rỡ hơn. Không thể diễn tả hết xúc động của tôi và mọi người trong đoàn thiện nguyện, chứng kiến nụ cười rạng rỡ của tất cả các em học sinh khi được mời lên nhận quà. Các em ùa về chỗ ngồi, rối rít mở ngay túi quà ra xem, khi biết cùng với sách vở, sữa tươi, bánh kẹo, tất chân, còn có một chiếc áo ấm mới tinh, các em rất vui sướng. Bởi đối với trẻ em miền núi, chiếc áo ấm là cần thiết lắm.
Không những tặng đủ cho học sinh 389 suất quà mà chúng tôi còn tặng 36 suất cho các thầy, cô giáo Trường PTDT Nậm Mười. Ngoài ra chúng tôi còn tặng học bổng 1 triệu đồng cho một học sinh nghèo vượt khó, học giỏi, trợ cấp 1 triệu đồng cho một nữ giáo viên có hoàn cảnh khó khăn của trường.
Nụ cười của em nhỏ khi được nhận những món quà ấm áp của đoàn.
Thay mặt nhà trường, trong lời phát biểu cảm ơn, Thầy Hiệu trưởng Dương Văn Trường xúc động nói: “Hôm nay giáo viên và học sinh Trường PTDTBT-TH Nậm Mười chúng tôi đã nhận được tình cảm ấm áp của thầy và trò Trường Tiểu học Giang Biên cũng như của đoàn thiện nguyện.
“Mùa xuân cho em”, mùa xuân rất ý nghĩa đã đến sớm với chúng tôi. Những suất quà này chứa đựng tình yêu thương nhân ái, nghĩ rộng hơn đây còn là tình cảm của Thủ đô Hà Nội dành cho Yên Bái. Chúng tôi hứa sẽ cố gắng dạy và học tốt hơn, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”.
Đối với tôi, chuyến đi này là được trở về thăm lại mái trường xưa - nơi cách đây 23 năm tôi đã từng dạy học nên tôi rất xúc động. Ngày ấy, đường lên Nậm Mười không những cheo leo, hiểm trở, hoang vắng mà chỉ rộng chừng 50 cm. Sau khi đi xe đạp khoảng hơn 10 km, tôi phải gửi xe ở nhà dân và tiếp tục đeo ba lô đựng sách vở, quần áo, cá khô, muối, gạo đi bộ trèo đèo, lội suối suốt từ 8 giờ sáng đến gần 6 giờ tối mới lên tới điểm trường thôn La Háu Pành. Nhưng gian khổ và cuộc sống nhiều khó khăn của đồng bào các dân tộc nơi đây đã giúp cho tôi thêm cảm thông và yêu thương hơn các em em học sinh.
Vì thế, được đem mùa xuân nhân ái, chứa đựng tình cảm của mọi người lên với các em thơ Nậm Mười là hạnh phúc đối với tôi. Trên đường xuôi xuống Nghĩa Lộ, tôi bảo anh bạn chở xe máy dừng lại một phút, tôi đứng nhìn về dãy núi mờ xa, mái trường Nậm Mười chỉ còn là một chấm trắng, tôi thầm hứa: "Nậm Mười ơi, chúng tôi sẽ trở lại!".
Nhà giáo Hứa Thu Huyền
(huathuhuyen@yahoo.com.vn)